GIỚI THIỆU VỀ CHÚNG TÔI

header ads

MẤT QUYỀN KHIẾU NẠI VÌ HẾT THỜI HIỆU

Như các bài viết trước đã nêu, khiếu nại, tố cáo cũng là một trong các quyền cơ bản của công dân, được hiến pháp và pháp luật công nhận.

 Bản chất của việc khiếu nại chỉ là đề nghị xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước… khi có căn cứ cho rằng, quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc khiếu nại không hề “nặng nề” như nhiều người dân thường lầm tưởng! Do vậy, chúng ta phải tận dụng quyền khiếu nại (bao gồm cả quyền tố cáo) khi có căn cứ hợp pháp!

 Luật khiếu nại hiện hành điều chỉnh 3 nhóm đối tượng chính sau:

1- “Hành vi hành chính” của cán bộ cơ quan hành chính nhà nước  

 2 -“Quyết định hành chính” của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước (xin tạm gọi chung là chủ thể có thẩm quyền);

 3- Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức;

 Thông thường, người dân chỉ phát sinh khiếu nại đối với nhóm 1 và 2 nêu trên (hành vi hành chính và quyết định hành chính) nên chúng ta chỉ nên tập trung vào 2 nhóm này.

 I- Nhóm đối tượng là “hành vi hành chính”    

 Chủ yếu chúng ta thường gặp các hành vi sau:

1- Hành vi “không hướng dẫn người dân” theo trách nhiệm được pháp luật quy định. Ví dụ, không hướng dẫn viết đơn khiếu nại, tố cáo; không hướng dẫn nộp đơn, không cấp giấy biên nhận khi dân đến nộp đơn khiếu nại, tố cáo và các giấy tờ quan trọng khác…

2- Hành vi không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (xin gọi tắt là Giấy chủ quyền nhà, đất) khi dân có nộp hồ sơ yêu cầu hợp pháp…

3- Hành vi không thông báo bằng văn bản đối với các kiến nghị, yêu cầu của dân (ví dụ như nộp hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền nhà đất nhưng bị “ngâm”, không có văn bản trả lời trong thời hạn do pháp luật quy định, dân gửi đơn kiến nghị nhưng không trả lời…

4- Từ chối thực hiện các dịch vụ công khi dân có đưa ra các yêu cầu theo luật định: Dịch vụ về hộ tịch (liên quan đến giấy khai sinh, khai tử, sao y chứng thực, xác nhận độc thân, đăng ký kết hôn, trích lục giấy tờ…);

5- Hành vi sách nhiễu nhân dân, cửa quyền, quan liêu, hách dịch hoặc trịch thượng (không gần gũi với nhân dân)…

6- Hành vi thiếu tôn trọng nhân dân, không coi nhà nước là của dân, do dân và vì dân như Hiến pháp đã ghi nhận…

7- Thu tiền không có căn cứ, không lập biên nhận, biên lai, phiếu thu theo luật định..

8 …

 II- Nhóm đối tượng là các quyết định hành chính

 Chủ yếu chúng ta thường gặp các quyết định sau:

 1- Quyết định thu hồi quyền sử dụng đất mà chúng ta có căn cứ nghi ngờ là trái pháp luật.

2- Quyết định áp giá đền bù từ việc thu hồi quyền sử dụng đất mà chúng ta có căn cứ cho rằng là chưa thoả đáng…

3- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chủ thể có thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước chưa hoặc không đúng với quy định của pháp luật.

4- Quyết định cưỡng chế có liên quan đến việc thu hồi, trưng thu quyền sử dụng đất mà chúng ta có căn cứ cho rằng, chưa đúng pháp luật…

5- Quyết định kỷ luật, buộc thôi việc, điều chuyển công tác… của công chức trái pháp luật

6- … và các quyết định của chủ thể có thẩm quyền khác mà có căn cứ cho rằng, trái với các quy định của pháp luật hiện hành.

Mỗi người dân đều có quyền khiếu nại đối với tất cả các hành vi hành chính, quyết định hành chính nêu trên khi có căn cứ hợp pháp. Khi chúng ta tiếp xúc để làm việc, nếu không có biển báo, quy định cấm (hoặc có nhưng việc cấm đó trái với Luật, Hiến pháp) thì chúng ta đều có quyền ghi âm, quay phim lại để làm bằng chứng phục vụ cho quá trình khiếu nại (kể cả việc tố cáo theo luật định) sau này; Hoặc nếu bị cấm quay phim, ghi âm thì người dân có quyền yêu cầu chủ thể có thẩm quyền trích dẫn cơ sở pháp lý, xem căn cứ đó trái với hiến pháp và pháp luật hay không…, lưu ý rằng, trong quá trình đó, tất cả các hành vi của chủ thể có thẩm quyền đều có thể bị khiếu nại, tố cáo nếu có căn cứ hành vi đó là trái với hiến pháp và pháp luật!

 Thủ tục khiếu nại nêu trên sẽ được điều chỉnh bởi các quy định của Luật khiếu nại đang có hiệu lực điều chỉnh (hiện nay là Luật khiếu nại  năm 2011 và các văn bản dưới luật có liên quan);

 Theo đó, chúng ta cần phải lưu ý về thời hiệu để khiếu nại đối với các hành vi hành chính và quyết định hành chính như sau:

 “Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.” (Điều 9, Luật khiếu nại).

Khi hết thời hiệu khiếu nại mà không thể chứng minh được có trở ngại khách quan như điều luật đã nêu thì chúng ta sẽ mất đi quyền khiếu nại vĩnh viễn một cách đáng tiếc!

(khi đó, mỗi khi nộp đơn khiếu nại, cơ quan chức năng sẽ bác đơn với lý do “thời hiệu khiếu nại đã hết” – khoản 6, điều 11 Luật khiếu nại)

 Tổng kết từ nhiều năm, bản thân và đồng nghiệp chứng kiến rất nhiều người dân đã mất đi quyền khiếu nại hợp pháp một cách đáng tiếc chỉ vì chưa kịp cập nhật các quy định của pháp luật về khiếu nại như đã trích dẫn ở trên…;




Lưu ý rằng, người dân có thể tự thực hiện hoặc uỷ quyền hợp pháp cho người khác thay mình thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

 Sẽ có bài viết cập nhật kiến thức pháp lý cơ bản về thời hạn và thủ tục giải quyết đơn khiếu nại của công dân đối với các hành vi hành chính và quyết định hành chính nêu trên, kính mời các bạn tiếp tục theo dõi!


Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Gọi Chúng Tôi