Sau khi đã xác định được
“hành vi hành chính” hoặc “quyết định hành chính” cần khiếu nại như bài viết
trước đã nêu, chúng ta cần phải chuẩn bị 02 công việc quan trọng tiếp theo, đó
là phải lựa chọn hình thức và bố cục, nội dung đơn khiếu nại (I), cách gửi đơn
khiếu nại (II).
I- HÌNH THỨC VÀ BỐ CỤC, NỘI DUNG ĐƠN KHIẾU NẠI
1- Hình thức đơn khiếu nại
Vấn đề này rất quan trọng, nếu các bạn lựa chọn hình thức đơn với tiêu đề đại loại như “đơn phúc tra”, “ đơn cứu xét”, “ đơn kiến nghị”… theo sự hướng dẫn của “ai đó” thì việc khiếu nại của các bạn rất có thể đã đi vào ngõ cụt từ khâu đầu tiên của việc khiếu nại, khi đó, nếu may mắn thì được giải quyết, không may mắn thì chúng ta sẽ rất khó khăn để thực hiện các thủ tục khiếu nại, tố cáo tiếp theo, bởi lẽ, việc xác định chế tài và các văn bản pháp luật để điều chỉnh các “loại đơn” nêu trên là quá mù mờ và rối rắm. Còn nếu là “Đơn khiếu nại” thì sẽ có hẳn Luật khiếu nại và các văn bản dưới luật (gồm các nghị định và thông tư) để điều chỉnh về thời hạn, thủ tục, quy trình giải quyết…
Không phải tất cả nhưng đa số người dân rất thuần phác và có phần e dè khi “đụng chạm” đến các vấn đề khiếu nại, tố cáo hoặc khi có các “vấn đề” liên quan đến chính quyền, họ thường tốn rất nhiều thời gian và công sức để chạy lòng vòng với các mẫu đơn trên (do một số cấp cơ sở chưa thống nhất sử dụng mẫu đơn hoặc do tiền lệ, tục lệ địa phương, do nhận thức hoặc do được hướng dẫn…), nhưng kết quả không thể khả quan hơn.
- Khiếu nại là khiếu nại, chúng ta có hẳn các chế định pháp lý để điều chỉnh về vấn đề này, không cần “phúc tra” hay “cứu xét” hay “cầu cứu” ai, bởi lẽ như bài viết trước đã nêu, nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân (Hiến pháp), không cần phải “cầu cứu” hay nhờ ai “cứu xét”, cứ đứng thẳng lưng mà nộp đơn khiếu nại theo quy định của Hiến pháp và pháp luật!
- Như đã nêu trên, chính vì đơn khiếu nại có hẳn các chế định pháp lý để điều chỉnh, trong đó quan trọng nhất là Luật khiếu nại năm 2011 và các nghị định kèm theo để hướng dẫn, nên khi chủ thể có thẩm quyền vi phạm pháp luật (về thời hạn, về thủ tục, nội dung…) trong quá trình nhận đơn, thụ lý đơn, giải quyết đơn thì công dân có quyền tiếp tục khiếu nại, tố cáo về chính các hành vi vi phạm này theo quy định của pháp luật; Còn với các loại đơn có tiêu đề nêu trên, khi dân nộp đơn xong mà không may mắn được giải quyết thì rất khó xác định luật chính thức để điều chỉnh nó, có chăng cũng chỉ là một số văn bản hướng dẫn tiếp công dân, tính pháp lý không cao, không mang tính bắt buộc (bao gồm cả chế tài khi vi phạm) như Hiến pháp và Luật khiếu nại (nên nhớ nguyên tắc bất di bất dịch rằng, tất cả các văn bản điều chỉnh phải phù hợp với Luật và Hiến pháp – Điều 119 Hiến pháp).
Ví dụ, khi lựa chọn đơn với tiêu đề, thể thức là “đơn khiếu nại” thì các bạn có thể tiếp tục tiến hành khiếu nại hoặc tố cáo chủ thể có thẩm quyền khi họ vi phạm một trong các hành vi sau đây (dù đơn khiếu nại trước đó về một nội dung khác của các bạn vẫn chưa được giải quyết):
Điều 27. Thụ lý giải quyết khiếu nại
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc
thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra
nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý
do.
Điều 28. Thời hạn giải quyết khiếu nại
lần đầu
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ
ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài
hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết
khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời
hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
(lưu ý thường xảy
ra vi phạm ở 2 điều luật nêu trên: “…thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại…”,
… thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu 30-60 ngày…)
Qua những nội dung trên, chúng ta đã thấy rất rõ ràng việc lựa chọn hình thức, tiêu đề đơn khiếu nại nó quan trọng ở mức nào.
2 - Bố cục và nội dung đơn: Tuỳ thuộc nội dung từng vụ việc mà trình bày một cách rõ ràng, đủ ý, nhấn mạnh các vấn đề áp dụng sai hoặc không đầy đủ về pháp luật của các hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính bị khiếu nại (mục đích là phải chứng minh được hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính là trái pháp luật hoặc có vi phạm pháp luật…), không cần trình bày lan man, dài dòng…
II- CÁCH GỬI ĐƠN KHIẾU NẠI
Khi đã hoàn tất hồ sơ khiếu nại (bao gồm đơn và các tài liệu đính kèm theo luật định) thì quý vị cần phải lưu ý về cách gửi đơn.
- Nếu gửi đơn trực tiếp thì quý vị có thể sẽ gặp rất “khó khăn” bởi nhiều lý do thường gặp như: bị yêu cầu về nhà sửa đơn, bổ sung đơn, bổ sung giấy tờ, tài liệu, chứng cứ…..rồi mới được quyền quay lại nộp…; mặc dù, tại khoản 3, điều 8 Luật khiếu nại đã quy định rất rõ về trách nhiệm của người tiếp nhận đơn như sau:
“ Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Nếu vẫn cứ cố chấp lựa chọn cách thức gửi đơn trực tiếp, về
nhà sửa đơn, bổ sung, thu thập chứng cứ… theo yêu cầu rồi mới quay lại nộp đơn
khiếu nại thì có nhiều người đã từng mất
rất nhiều thời gian mà vẫn chưa nộp xong cái đơn khiếu nại, có rất nhiều lý do
nhưng có thể nói rằng, đây cũng là một trong các lý do khiến các vụ khiếu nại thường
bị kéo dài vài thập kỷ, chưa nói đến vấn đề nhân sự và năng lực hạn chế hoặc các
“tiểu xảo” đùn đẩy và thoại thác trách nhiệm do hệ thống pháp luật có liên quan
chưa hoàn chỉnh (như vụ Thủ Thiêm Q2 là một trong các ví dụ);
- Bởi các lẽ trên, khi khi gửi đơn khiếu nại, quý vị nên gửi
qua hệ thống bưu điện với dịch vụ “bảo đảm, nhanh, có báo phát lại”, nội dung
ghi rõ “đơn khiếu nại” (khi đó văn bản báo phát của bưu điện sẽ được sử dụng để
theo dõi về mốc thời gian giải quyết đơn khiếu nại); hoặc quý vị có thể nhờ Đoàn
đại biểu Quốc hội ở địa phương lập phiếu chuyển để chuyển giúp đơn khiếu nại đến
chủ thể có thẩm quyền theo luật định, Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương có chức
năng đó và có luôn chức năng giám sát việc giải quyết đối với các đơn khếu nại do
họ chuyển đi; khi đó, phiếu chuyển này sẽ có giá trị tương đương như một biên nhận
(để theo dõi thời hạn giải quyết đơn);
Chỉ có mỗi việc lựa chọn tiêu đề, thể thức đơn, cách gửi đơn mà đã quyết định được nhiều vấn đề như vậy, tiết kiệm được rất nhiều thời gian như vậy, chúng ta đã đủ hiểu phần nào về lý do các vụ khiếu nại thường bị kéo dài nhiều thập kỷ!
0 Nhận xét