1. Tổ chức Tòa án nhân dân
Mô hình Tòa án nhân dân các cấp từ ngày
01-07-2025 không còn Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, tổ chức của Tòa án nhân dân hiện nay
bao gồm:
- Tòa án nhân dân tối
cao;
- Tòa án nhân dân cấp
tỉnh, thành phố (Tòa án nhân dân cấp tỉnh);
- Tòa án nhân dân
khu vực;
- Tòa án chuyên biệt
tại Trung tâm tài chính quốc tế;
- Tòa án quân sự.
2. Thẩm quyền của Tòa
án nhân dân các cấp
Tổ chức Tòa án nhân dân thay đổi, dẫn đến thẩm
quyền của Tòa án nhân dân các cấp cũng có một số điều chỉnh. Cụ thể như sau:
a) Thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền
như sau:
- Sơ thẩm vụ án, vụ việc theo quy định của luật.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật
Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa
án đã sửa đổi, bổ sung Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền
của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân khu vực như sau:
- Tòa Dân sự Tòa án nhân dân khu vực có thẩm
quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về dân sự, lao động, trừ
những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực
quy định tại khoản 3 Điều này.
- Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân khu vực có thầm
quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về kinh doanh, thương mại,
trừ những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu
vực quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
- Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực
có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự, kinh doanh,
thương mại về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.
- Tòa Gia đình và người chưa thành niên Tòa
án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc
về hôn nhân và gia đình.
- Đối với Tòa án nhân dân khu vực chưa có Tòa
chuyên trách thì Chánh án Tòa án có trách nhiệm tổ chức công tác xét xử và phân
công Thẩm phán giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực.
b) Thẩm quyền của Tòa
án nhân dân cấp tỉnh:
Từ ngày 01/7/2025, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có
sự thay đổi. Cụ thể Điều 55 Luật Tổ chức Tòa án 2024 được sửa đổi, bổ sung bởi
khoản 7 Điều 1 Luật số 81/2025/QH15 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án
nhân dân cấp tỉnh như sau:
- Sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định của luật.
- Phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân
dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định
của luật.
- Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực
đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật.
- Kiểm tra bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực
pháp luật.
- Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị theo
thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp
tỉnh, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã có hiệu lực pháp luật theo quy
định của luật.
Như vậy, từ ngày 01-07-2025, Tòa án nhân dân
cấp tỉnh không xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, vụ án hành chính như trước đây và
có quyền Giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân
khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, thẩm quyền của các Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Theo đó, Luật này đã sửa đổi, bổ sung Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 38. Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp
tỉnh
1.Tòa Dân sự Tòa án
nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc
mà bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu
vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này, trừ những vụ việc
dân sự về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 3 Điều
này.
2. Tòa Gia đình và
người chưa thành niên Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo
thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định hôn nhân và gia đình chưa
có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo
quy định của Bộ luật này.
3. Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định kinh doanh, thương mại; bản án, quyết định dân sự về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Tòa Kinh tế thuộc một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
4. Tòa Lao động Tòa
án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ
việc mà bản án, quyết định lao động chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân
dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.”
c) Thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao:
- Phúc thẩm vụ án hình sự mà bản án, quyết
định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng
cáo, kháng nghị theo quy định của luật.
- Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của
Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực
pháp luật theo quy định của luật.
- Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử;
đề xuất án lệ.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy
định của pháp luật.
0 Nhận xét