Hiện nay, không
ít người dân liên hệ với các cơ quan CA để nộp đơn kiến nghị khởi tố, đơn tố cáo,
đơn tố giác, tin báo về tội phạm nhưng gặp không ít khó khăn, thông thường thì
sẽ bị cán bộ phụ trách tiếp nhận đơn đưa ra những yêu cầu đại loại như:
- Mẫu đơn không đúng, thiếu, thừa, sửa đổi và bổ sung đơn….
- Thiếu chứng cứ, tài liệu chứng minh dấu hiệu cấu thành tội phạm…
- Tư cách người nộp đơn: Trực tiếp nộp hay nhận uỷ quyền, nếu uỷ quyền có hợp pháp không….
-….
Tuy nhiên, mọi người dân cần lưu ý rằng, Bộ công an đã có hẳn một Thông tư để điều chỉnh về vấn đề tiếp nhận và xử lý các thông tin có liên quan về tội phạm (nộp đơn, tiếp nhận đơn, xử lý đơn…), đó là Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/03/2020 của Bộ Công An, theo đó, tại Điều 5 của Thông tư có quy định rất chi tiết về nghĩa vụ tiếp nhận đơn của công dân như sau:
- Khoản 1, Điều 5:
“... Trường hợp cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì cán bộ tiếp nhận phải lập Biên bản tiếp nhận theo mẫu số 09, ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an…và hướng dẫn họ viết đơn trình báo (có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận khi thấy cần thiết)."
Mặt khác, Tại Điều 30 Hiến pháp có quy định:
“1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.”
Các bạn lưu ý chữ “phải” trong các quy định nêu trên, có nghĩa là cán bộ phụ trách tiếp nhận thông tin (dưới dạng đơn hoặc trình bày bằng miệng) không có quyền từ chối việc tiếp nhận đơn và tin báo về tội phạm, ngược lại phải có nghĩa vụ nhận đơn đó và lập biên bản tiếp nhận theo quy định này.
Rất nhiều người dân không nắm được quy định này (và các quy định tương tự), nên khi tiếp xúc với cán bộ có thẩm quyền đã không thể thực hiện được quyền nộp đơn, cung cấp tin báo về tội phạm của công dân chỉ vì các lý do như đã liệt kê ở đầu bài viết này!
Như ở bài viết trước chúng tôi đã nêu, khi người dân đến liên hệ để nộp đơn khởi kiện dân sự hoặc đơn trình báo về tội phạm thì cán bộ có trách nhiệm phải có nghĩa vụ nhận đơn, cấp biên nhận (hoặc lập biên bản) cho người nộp đơn theo luật định (hiện nay nhiều cơ quan chưa có mẫu biên nhận hoặc có nhưng chưa rõ ràng), còn việc xử lý đơn như thế nào là quyền của cán bộ có thẩm quyền, nhưng phải có văn bản trả lời cho người dân biết về tiến độ, kết quả xử lý đơn (nêu rõ lý do, căn cứ pháp lý)!
Ngoài ra, mọi công dân cần nắm rõ các nguyên tắc cơ bản: Nội quy, quy định của cơ quan luôn phải tuân thủ theo Thông tư, nghị định, Luật và Hiến pháp; Hiến pháp mới là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, kế đến là Luật, Nghị quyết, nghị định, rồi mới đến Thông tư của các Bộ… Do vậy, nếu xét thấy bất kì một nội quy, quy định (bao gồm cả văn bản nội bộ đơn vị) nào trái với các văn bản pháp luật nêu trên đều không có giá trị pháp lý, không mang tính bắt buộc, khi đó mọi người dân có quyền khiếu nại, kiến nghị bãi bỏ theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành!
Điều 119 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có quy định:
“1. Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.
Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”
0 Nhận xét