I. PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG
Căn cứ theo khoản 1, Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi
2017) thì Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm (không đề cập đến hậu quả và
mức độ nguy hiểm xuất phát từ hành vi phòng vệ)!
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về phòng vệ chính
đáng (chỉ có thể tham khảo Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng
thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 1985), tại khoản 1,
Điều 22 chỉ quy định một cách chung chung như sau:
“Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc
lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của
cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm
phạm các lợi ích nói trên.”
Do không có văn bản dưới luật hướng dẫn một cách chi tiết như
thế nào là phòng vệ chính đáng, để hướng tới việc miễn trừ trách nhiệm hình sự
khi xảy ra sự việc, cho nên, từ kinh nghiệm thực tiễn và thông qua quá trình tổng
hợp các án lệ (các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật trước
đó), có thể hiểu phòng vệ chính đáng cần lưu ý các nội dung cơ bản như sau:
- Các điều kiện thoả mãn để được coi là hành vi phòng vệ chính
đáng (PVCĐ):
+ “Hành vi xâm phạm” bắt
buộc phải là một hành vi phạm tội rõ ràng hoặc có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
+ “Hành vi xâm hại” đang
gây ra thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi
ích cần phải bảo vệ.
+ Hành vi phòng vệ phải
tương xứng với “hành vi xâm hại” (hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thế nào là
“tương xứng”)
+ Hành vi phòng vệ phải
xảy ra ngay tại thời điểm (tức thì) có “hành vi xâm hại”.
- Khi thoả mãn các điều kiện nêu trên, dù hậu quả phát sinh từ
hành vi phòng vệ như thế nào thì vẫn sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
II. VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG
Theo khoản 2, Điều 22 Bộ luật hình sự, người có hành vi vượt
quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vậy hành vi như thế nào
sẽ bị coi là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?
Tại khoản 2, Điều 22
quy định như sau:
“Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả
rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho
xã hội của hành vi xâm hại.”
Từ khái niệm trên, chúng
ta có thể nhận thấy một cách rất rõ ràng rằng, ranh giới giữa “phòng vệ chính đáng”
và “vượt quá phòng vệ chính đáng” là rất mỏng. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố
tụng đã và đang gặp tương đối nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố
và xét xử đối với các loại vụ án này (và tương tự), khi đang lưỡng lự giữa ranh
giới này, việc xác định cấu thành tội hay không là một vấn đề hoàn toàn không phải
là đơn giản, thậm chí gây ra nhiều tranh cãi (trừ các hành vi đã thể hiện vượt quá PVCĐ một cách rõ ràng)!
Chính vì vậy, mỗi người
dân chúng ta khi nhận thức rõ hơn về các khái niệm, điều kiện (PVCĐ và vượt quá
PVCĐ) có liên quan nêu trên thì sẽ hạn chế được phần lớn các rủi ro trong cuộc
sống khi cá nhân hoặc người thân rơi vào các trường hợp này.
0 Nhận xét