Người chuẩn bị phạm tội khi thỏa mãn về điều kiện chủ thể thì vẫn chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội được quy định tại khoản 2, Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Vậy chuẩn bị phạm tội là như thế nào?
Theo quy định của khoản 1, Điều 14 Bộ luật hình sự: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm,…”
Đối với trường hợp “chuẩn bị phạm tội” cần lưu ý bốn vấn đề sau đây:
1. Đối với chủ thể bình thường (Tuổi từ đủ 16 trở lên): chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội danh được quy định tại các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật hình sự. Có nghĩa rằng, giai đoạn chuẩn bị phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh khác (ngoài các tội danh đã liệt kê).
2. Người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuồi: Chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hai tội danh là “Tội giết người” và “Tội cướp tài sản”. Ngoài hai tội danh này ra, chủ thể này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở các tội danh khác.
3. Chúng ta cần phải phân biệt trường hợp “chuẩn bị phạm tội” và trường hợp “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”:
- Hai khái niệm này đều có một điểm tương đồng là chưa có hậu quả bị thiệt hại, chưa kịp thực hiện hành vi xâm hại về mặt khách thể.
- Nhưng nó khác nhau ở chỗ:
+ Trường hợp “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” là trường hợp tự mình ngưng lại việc thực hiện tội phạm đến cùng, mặc dù không có trở ngại khách quan nào (tội phạm bị ngưng lại do ý chí chủ quan của người phạm tội).
+ Trường hợp “chuẩn bị phạm tội” là trường hợp người phạm tội không phát sinh ý chí chủ quan để ngưng lại việc thực hiện tội phạm, trong ý chí chủ quan của người phạm tội vẫn luôn muốn tội phạm được hoàn thành nhưng chỉ mới thực hiện tội phạm ở giai đoạn “chuẩn bị”, chưa thực hiện hành vi chính để xâm hại về mặt khách thể tội phạm.
+ Khác với trường hợp “chuẩn bị phạm tội” như đã nêu trên, nguời tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn hoàn toàn trách nhiệm hình sự về tội định phạm (nếu hành vi thực tế đã cấu thành một tội khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, chỉ được miễn trách nhiệm đối với tội ban đầu định phạm);
4. Đối với trường hợp tham gia vào nhóm tội phạm của các tội: “tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và “tội khủng bố” thì sẽ bị xem truy cứu trách nhiệm hình sự về ba tội danh đã nêu (hành vi thuộc về tội nào thì bị truy cứu tương ứng về tội đó). Có nghĩa rằng, người phạm tội có hành vi tham gia vào các nhóm tội phạm thuộc ba tội danh này dù chỉ thực hiện ở “giai đoạn chuẩn bị” thì vẫn cấu thành tội, không được pháp luật coi là trường hợp “chuẩn bị phạm tội”.
0 Nhận xét