GIỚI THIỆU VỀ CHÚNG TÔI

header ads

TỐ CÁO

Tố cáo là một trong các quyền cơ bản của công dân, được quy định tại Điều 30 Hiến pháp 2013.

Trên thực tế, công dân ít biết tận dụng một cách chính xác và đầy đủ về quyền này khi có hội tụ đủ các yếu tố theo luật định, lý do chủ yếu thường là do hạn chế nhận thức về mặt pháp lý có liên quan đến việc tố cáo, lo sợ gây ra hậu quả nghiêm trọng từ hành vi tố cáo của mình đối với người khác hoặc lo sợ sẽ bị trả thù…

Như đã nêu ở trên, Tố cáo là một trong các quyền cơ bản của công dân, công dân nào cũng có quyền tố cáo đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân nếu có căn cứ để cho rằng, cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân đó vi phạm pháp luật, xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của bất kì chủ thể nào.

Khi tố cáo, người tố cáo cũng có thể yêu cầu cơ quan giải quyết tố cáo phải có biện pháp bảo vệ mình, Luật tố cáo năm 2018 cũng dành hẵn một chương (từ điều 47 đến điều 58) để quy định khá chi tiết về các vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo…

Nhìn nhận một cách chính xác, Tố cáo cũng là nghĩa vụ của công dân, khi một công dân phát hiện dấu hiệu hoặc căn cứ vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước và tiến hành các thủ tục tố cáo thì đồng nghĩa với việc người tố cáo đó đã góp phần vào việc thúc đẩy một xã hội công bằng, văn minh hơn…

Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Q2 nổi tiếng với nhiều vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài

Tại khoản 1, điều 2 Luật Tố Cáo năm 2018 ghi nhận:

“Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.”

Căn cứ vào khoản 1, Điều 2 Luật tố cáo đã trích dẫn ở trên, có 2 vấn đề mà chúng ta cần lưu ý mỗi khi thực hiện quyền và nghĩa vụ tố cáo:

 1. Công dân có quyền tố cáo bất kì ai trong số các chủ thể nêu trên (bao gồm cả cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước), nếu biết về hành vi vi phạm pháp luật của họ, không nhất thiết vụ việc tố cáo đó phải có liên quan đến các quyền và lợi ích của người đứng ra tố cáo.

 2. Pháp luật không bắt buộc người tố cáo phải có giấy ủy quyền, kể cả trong trường hợp tố cáo một vụ việc không có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo, đây là điểm khác biệt so với khiếu nại ,vì khiếu nại buộc phải có giấy ủy quyền nếu tham gia vào việc khiếu nại thay cho người khác theo quy định của Luật khiếu nại…

Từ thực tiễn cho thấy, khi tiếp nhận đơn tố cáo của công dân, một số cán bộ có trách nhiệm sẽ đưa ra các lý do để từ chối nhận đơn, và có 2 lý do chủ yếu mà họ thường áp dụng đó là:

- Nội dung và hình thức đơn tố cáo không đúng, khó hiểu hoặc không đầy đủ…

- Quyền và lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân chưa bị thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nên không có quyền tố cáo...

Để giải quyết hai điểm hạn chế này, người tố cáo cần lưu ý một số điểm cơ bản sau:

 * Khi đơn của người tố cáo bị từ chối nhận, cũng đồng nghĩa với việc họ chưa bao giờ được tiếp cận với công dân gửi đơn, vì thông thường sẽ rất ít trường hợp có bằng chứng để ghi nhận lại quá trình từ chối nhận đơn. Khi đó, sẽ rất khó khăn để có một cơ chế ràng buộc trách nhiệm của họ trong trường hợp này. Vì vậy, để đơn tố cáo được tiếp nhận một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác, người tố cáo nên gửi đơn tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng con đường gián tiếp, đó là gửi qua bưu điện thông qua hình thức bảo đảm và có báo phát, hoặc cũng có thể nhờ các cơ quan có chức năng giám sát giúp chuyển đơn, cơ quan đó sẽ thực hiện việc chuyển đơn và ban hành kèm theo một công văn gửi cho đơn vị có trách nhiệm giải quyết đơn tố cáo, đồng thời công văn này cũng sẽ được chuyển cho người tố cáo biết (ví dụ Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ có chức năng giám sát, hỗ trợ đó đối với công dân). Công văn chuyển đơn chính là cơ sở pháp lý để chứng minh rằng, chủ thể có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo đã nhận được đơn và họ sẽ bị khống chế, ràng buộc bởi khung thời gian giải quyết đã được Luật tố cáo quy định:

“Điều 30. Thời hạn giải quyết tố cáo

1. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

2. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

3. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

4. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan."

* Hiện nay, chưa có văn bản riêng biệt và mang tính bắt buộc quy định chi tiết như thế nào được coi là “thiệt hại”, “đe đọa gây thiệt hại” để làm cơ sở cho việc thực hiện quyền tố cáo của công dân. Nói một cách chính xác, không có tiêu chuẩn định lượng một cách chính xác về mức thiệt hại trong chuyện này. Ví dụ, một công dân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nộp hồ sơ làm giấy khai sinh cho con, làm giấy tờ cư trú hoặc để xin cấp giấy chủ quyền nhà đất… nhưng bị một số cán bộ gây khó khăn với các lý do không đúng luật, làm cho công dân đó phải mất công đi lại nhiều lần hơn, tốn xăng, tốn thời gian… thì việc tốn xăng và tốn thời gian này vẫn được coi là “lợi ích chính đáng của công dân” bị thiệt hại (chưa tính đến thiệt hại về tinh thần)…

Tại các nước phát triển trên thế giới, mặt bằng năng lực nhận thức về pháp luật nói chung, về giá trị các quyền con người nói riêng thường được nâng cao hơn so với mặt bằng chung của các nước kém phát triển, điều này vô hình trung, nó đã tạo ra (mặc nhiên kéo theo) một nền pháp pháp trị gần như mang tính hoàn thiện hơn. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, mặt bằng chung về năng lực nhận thức và năng lực thực hiện các quyền cơ bản của công dân sẽ góp phần vào việc thúc đẩy để tạo ra một nền pháp trị, nền văn minh của xã hội…

Khi một công dân tố cáo (đúng) hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước…, thì mặc nhiên công dân đó ít nhất đã góp phần vào việc ngăn chặn các hậu quả thiệt hại có thể xảy ra từ hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể bị tố cáo. Hơn thế nữa, nhìn ở khía cạnh tích cực thì việc tố cáo còn mang ý nghĩa răn đe, nhắc nhở đối với mọi cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước khác sẽ sống và làm việc đúng với Hiến pháp và pháp luật hơn.

Việc tố cáo sai sự thật gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị khởi tố về mặt hình sự. Do vậy, để có thể thực hiện quyền tố cáo của công dân một cách kịp thời nhưng vẫn đảm bảo tính đầy đủ, đúng pháp luật thì người tố cáo cần phải am hiểu một cách kỹ lưỡng về các quy định của Luật tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Gọi Chúng Tôi