GIỚI THIỆU VỀ CHÚNG TÔI

header ads

CÁC TRƯỜNG HỢP CHỈ KHỞI TỐ VỤ ÁN THEO YÊU CẦU CỦA BỊ HẠI

 

Không phải hành vi vi phạm pháp luật hình sự nào cũng bị khởi tố, có nhiều loại  hành vi dù cấu thành tội phạm nhưng chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của bị hại.

Tại khoản 1, Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”

Cụ thể đó là các tội danh sau đây:

1. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017)

2. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Khoản 1 Điều 135)

3. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Khoản 1 Điều 136).

4. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 138)

5. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Khoản 1 Điều 139)

6. Tội hiếp dâm (Khoản 1 Điều 141)

7. Tội cưỡng dâm (Khoản 1 Điều 143)

8. Tội làm nhục người khác (Khoản 1 Điều 155).

9. Tội vu khống (Khoản 1 Điều 156)



Sở dĩ các nhà lập pháp xây dựng và ban hành các quy định nêu trên là vì các hành vi phạm tội này đều đa số ở mức ít nghiêm trọng, hậu quả thiệt hại chưa lớn hoặc do có nhiều trường hợp, nếu khởi tố vụ án thì sẽ có khả năng gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm hoặc tạo ra các thiệt hại khác đối với bị hại hơn là so với việc không khởi tố, ví dụ như “tội cưỡng dâm”, “tội hiếp dâm” ở khoản 1…vì lý do chủ quan hoặc khách quan mà có nhiều bị hại không muốn cho người khác biết bản thân mình đã bị xâm hại..., cũng là để nhằm bảo vệ bí mật đời tư, danh dự và uy tín của bản thân…(mặc dù đối với các tội quy định tại Điều 141,143,155 Bộ luật hình sự, nếu toà án có đưa ra xét xử thì cũng thường là "xử kín" nhưng đa số các bị hại vẫn cảm giác e ngại, dè dặt khi tố giác tội phạm, khi đối thoại với các cơ quan tiến hành tố tụng...)

Đối với các trường hợp nêu trên, khi bị hại đã có đơn yêu cầu khởi tố hình sự, nhưng vì lý do nào đó lại muốn rút lại đơn yêu cầu khởi tố thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đình chỉ điều tra vụ án. Tuy nhiên, nếu có căn cứ để chứng minh rằng, việc rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án là do bị ép buộc, cưỡng bức thì dù người bị hại có rút đơn yêu cầu khởi tố nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát vẫn tiến hành khởi tố, truy tố theo quy định của pháp luật.

Khoản 2,3 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:

"2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức."

Trên thực tế, nhiều trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích (Điều 134) nhưng do bị hại và người gây hại tự thỏa thuận, hòa giải thành (có thể bồi thường bằng tiền hoặc không) nên Cơ quan điều tra sẽ không tiến hành khởi tố vụ án hình sự, thực ra đây chính là quy định của pháp luật, nhưng rất đáng tiếc nhiều người dân vẫn dễ lầm tưởng rằng, đó là do ý chí chủ quan hoặc do sự tác động của một chủ thể nào đó nên mới nhận được "đặc ân" này, điều này chỉ tạo cơ hội thật tốt cho những kẻ có ý định trục lợi! Cũng có nhiều người từng lầm tưởng rằng, mọi trường hợp khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại (bồi thường bằng tiền chẳng hạn …) đều có thể được miễn trách nhiệm hình sự, đây cũng là một sự sai lầm nghiêm trọng! 

Cần lưu ý rằng, ngoài các tội danh đã liệt kê, các tội danh khác kể cả người bị hại không có đơn yêu cầu khởi tố vụ án nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu để cấu thành tội phạm.

Khi đó, việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả… sẽ chỉ là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nó không thể miễn trách nhiệm hình sự như nhiều người đã lầm tưởng, nó chỉ là một trong các căn cứ pháp lý để Hội đồng xét xử xem xét việc giảm nhẹ phần nào về mức hình phạt sắp hứng chịu (nếu đủ điều kiện theo luật định)!

Ví dụ về hành vi dùng dao chém vào chân, tay của bị hại gây ra thương tật dưới 11%. Nếu bị hại (hoặc các chủ thể ghi tại khoản 1, Điều 155 nêu trên) không có đơn yêu cầu khởi tố thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không khởi tố vụ án (dù đền bù hoặc không), nhưng trong trường hợp cũng cùng một hành vi và vũ khí này nhưng chém vào nơi trọng yếu trên cơ thể của bị hại thì dù có khắc phục hậu quả (nhiều tiền) hoặc tỷ lệ thương tật dưới 11% thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn khởi tố vụ án, kể cả trong trường hợp bị hại không có đơn yêu cầu khởi tố hoặc rút đơn yêu cầu khởi tố, vì hành vi này đã cấu thành một tội danh khác, đó là “tội giết người” ở giai đoạn “chưa đạt đã hoàn thành”, nên nó không còn thỏa mãn điều kiện đã được quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự như đã trích dẫn ở trên.

Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý thêm, trên thực tế không ít trường hợp bị hại hứa khi nhận đủ tiền đền bù thì sẽ rút đơn nhưng sau khi rút đơn lại muốn đòi thêm tiền và yêu cầu khởi tố khi không được thỏa mãn lòng tham. Trong trường hợp này Cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ bác đơn yêu cầu khởi tố, trừ trường hợp có căn cứ để chứng minh rằng, việc rút đơn lần trước của bị hại là do bị cưỡng ép.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Gọi Chúng Tôi