GIỚI THIỆU VỀ CHÚNG TÔI

header ads

QUYỀN CON NGƯỜI VÀ QUYỀN CÔNG DÂN

Chúng ta đã từng đọc không ít đến cụm từ “nhân quyền” và "quyền công dân", vậy chúng ta đã hiểu ở mức độ nào về hai khái niệm này?
* Nhân quyền (quyền con người) chính là quyền vốn có của con người kể từ khi được sinh ra, nó không do bất kì chủ thể nào ban tặng, cũng không có bất kì một chính thể hay chủ thể nào có thể tước bỏ. Quyền con người không phụ thuộc vào lãnh thổ, quốc gia hay sắc tộc mà nó luôn bình đẳng với nhau trên phạm vi toàn cầu, luôn được pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật của bất kì quốc gia nào trên thế giới tôn trọng, bảo vệ...
Con người khi sinh ra đều có quyền bình đẳng với nhau về quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền ăn uống, đi lại, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa …
Để một số quyền cơ bản của con người không bị giới hạn ở một số quốc gia (thường liên quan đến vấn đề tự do dân chủ, tự do báo chí, tự do ngôn luận, bình đẳng giới, chủng tộc, màu da...), lịch sử và hiện tại cũng đã có nhiều cá nhân, tổ chức từng hy sinh rất nhiều thứ quý giá để mong có được nó, trong đó có các mục sư, luật sư và nhiều chủ thể khác …
* Quyền con người khác quyền công dân, quyền công dân luôn gắn liền với một quốc gia nhất định và nó được ghi nhận bởi Hiến pháp và hệ thống pháp luật của nước mà người đó mang quốc tịch, quyền công dân luôn có phạm vi hẹp hơn quyền con người, nó có thể bị tước đoạt hoặc hạn chế trong một số trường hợp nhất định, ví dụ như quyền bầu cử, ứng cử… sẽ bị mất khi đang chấp hành bản án hình sự.

Mục sư Martin Luther King Jr, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Mỹ gốc Phi

Trên thực tế, các quyền con người và quyền công dân vẫn bị xâm hại bởi nhiều nguyên do, nhưng một trong các nguyên do chủ yếu vẫn là do thể chế chính trị, hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp còn "khiếm khuyết", hơn thế nữa, tính minh bạch và dân chủ trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật còn tồn tại nhiều điểm bất cập:
- Có nhiều nhiều đạo luật và văn bản dưới luật được soạn thảo và ban hành ra tương đối đầy đủ, nhưng khi áp dụng các quy định của pháp luật cụ thể vào thực tiễn thì bị một số chủ thể làm thay đổi, méo mó với nhiều động cơ, mục đích khác nhau hoặc do hạn chế về năng lực nhận thức của chính chủ thể áp dụng nó, khiến điều luật đó bị hiểu sai, dẫn đến áp dụng sai (hoặc hiểu đúng nhưng áp dụng sai).
- Cũng có những đạo luật, văn bản dưới luật ban hành chưa đầy đủ và rõ ràng, dễ tạo kẽ hở cho người thực thi lợi dụng các kẽ hở đó để trục lợi, điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến pháp luật bị méo mó, và vô hình trung tạo ra sự bất bình đẳng trong quyền con người, bao gồm cả quyền công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận.
- Có những vấn đề "nhạy cảm" mà Hiến pháp và pháp luật không thể ghi nhận do yếu tố chính trị...
-...
* Một số vấn đề cần tháo gỡ, khắc phục ở VN:
+ “Nguyên tắc xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” của thẩm phán đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, nhưng trên thực tế chưa được đảm bảo triệt để, vẫn còn tồn tại các vụ án xét xử theo "sự tác động" vì động cơ, mục đích nào đó từ chủ thể thứ 2,3…
+ Thời hạn tố tụng: vẫn nhiều vụ án bị kéo dài thời gian, đặc biệt là các vụ án dân sự, thương mại...vẫn bị “ngâm”, vượt quá thời hạn do pháp luật quy định...
+ Vẫn tồn tại các trường hợp huỷ án vì toà cấp sơ thẩm, phúc thẩm áp dụng pháp luật sai hoặc "chưa đầy đủ" trong quá trình xét xử, hình thức chế tài đối với vi phạm còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe tội phạm, hoặc bị oan sai..., nên vẫn diễn ra không ít các bản án dù đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị tòa án cấp trên hủy, yêu cầu điều tra, xét xử lại...
+ Nguyên tắc xét xử mang tính liên tục và công khai: vẫn tồn tại không ít các vụ án bị hoãn và kéo dài thời gian trong quá trình xét xử, hoãn tuyên án (sau nghị án), tạm dừng phiên toà kéo dài lâu ngày …
+ Vẫn tồn tại các trường hợp cấp giấy đăng ký tham gia bào chữa, bảo vệ cho luật sư bị chậm trễ so với các quy định của pháp luật hiện hành, làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư, của bị can, bị cáo và thân nhân của họ...
+ Dân đến nộp đơn tố giác tội phạm, đơn trình báo về tội phạm, đơn yêu cầu khởi tố còn gặp tương đối nhiều khó khăn, dù Luật và Thông tư 28/2020/TT-BCA đã quy định rất chi tiết...
+ Một số địa phương vùng cao, hải đảo, biên giới có địa hình đi lại khó khăn (chưa có đường cao tốc và đường không),Trung ương gặp nhiều khó khăn trong khâu thực thi quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra....; Đảng và nhà nước nên xây dựng thêm một hoặc nhiều cơ chế quản lý, giám sát đặc thù sao cho phù hợp với điều kiện khách quan (ngoài các chủ trương chung của Đảng và pháp luật của nhà nước), điều này sẽ hiệu quả hơn trong quá trình quản lý nhà nước và thực thi pháp luật; ví dụ, có địa phương có thể thiên về tính cục bộ trong quản lý nhà nước (từ khâu tuyển dụng, sử dụng và sa thải nhân sự), hoặc do ảnh hưởng về phong tục tập quán, cả nể lẫn nhau (năng lực bị giới hạn hoặc lý do khác) trong quá trình thực thi quyền hành pháp và tư pháp…, có thể dẫn đến nhiều vấn đề bất bình đẳng trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chống tham nhũng, tiêu cực, có thể ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với chính quyền sở tại, dẫn đến việc gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi muốn thực thi triệt để các chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước (hãy nhìn vào tỷ lệ % và mức độ xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực so với các địa phương có điều kiện tương tự sẽ cho chúng ta dễ dàng thấy ngay kết quả) ...
+… và nhiều thực trạng tương tự khác…(trên đây chỉ là những vấn đề điển hình).
* Như vậy, để quyền con người và quyền công dân được tôn trọng và thực thi, chúng ta cần phải tuân thủ ít nhất các yếu tố cơ bản sau:
1. Hệ thống lập pháp : Phải dân chủ, kịp thời, đầy đủ và minh bạch trong quá trình lập pháp (bao gồm cả khâu bầu, bổ nhiệm cán bộ; giới thiệu ứng cử, tự ứng cử; trong quá trình xây dựng, ban hành Hiến pháp và luật)...
2. Hệ thống hành pháp: Phải nghiêm minh, trong quá trình vận dụng và thi hành pháp luật, chịu trách nhiệm cá nhân, nâng cao văn hóa từ chức khi tự nhận thấy mình không đủ năng lực quản lý và điều hành, thường xuyên tổ chức lấy ý kiến tín nhiệm của nhân dân thông qua hình thức bỏ phiếu kín, kiểm phiếu công khai tại chỗ...
3. Hệ thống tư pháp: Cần có tính độc lập trong hoạt động tố tụng, đồng thời phải tuân thủ triệt để các quy định của Hiến pháp và pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, hình thức chế tài phải đủ tính răn đe và có tính thực thi, mở rộng và nâng cao quyền tố cáo của công dân trong các hoạt động tư pháp đối với các hành vi vi phạm (có thể xây dựng chế độ thưởng tại chỗ cho người tố cáo đúng), xử lý vi phạm một cách công khai và dân chủ…
Để thực tiễn có thể đáp ứng đồng thời ba yếu tố cơ bản nêu trên một cách nhịp nhàng và đồng bộ, quả là một bài toán rất "nan giải" đối với các chủ thể có thẩm quyền của hầu như bất kì quốc gia đang phát triển nào.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Gọi Chúng Tôi