Trong
đời sống xã hội hiện nay, giao dịch dân sự xuất hiện dưới nhiều hình thức, tên
gọi khác nhau, trong đó phổ biến nhất là dưới dạng hợp đồng. Tuy nhiên, phần lớn
người dân lại chưa thực sự nắm rõ các quy định của pháp luật về hợp đồng, dẫn đến
nhiều trường hợp xác lập hợp đồng nhưng bị pháp luật coi là vô hiệu. Vì vậy,
sau đây chúng tôi xin gửi đến các bạn bài viết về các điều kiện có hiệu lực của
hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo
Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên
về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Bên
cạnh đó, Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Giao dịch dân sự
là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt
quyền, nghĩa vụ dân sự.”.
Như
vậy, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng cũng chính là điều kiện có hiệu lực của
giao dịch dân sự và được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể
như sau:
“Điều
117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1.
Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a)
Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao
dịch dân sự được xác lập;
b)
Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c)
Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật,
không trái đạo đức xã hội.
2.
Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
trong trường hợp luật có quy định.”
Dựa
vào những quy định pháp luật đã nêu ở trên, để các bạn có thể nắm rõ hơn, sau đây
chúng tôi sẽ phân tích chi tiết từng điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:
-
Thứ nhất, điều kiện về chủ thể:
+
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, chủ
thể tham gia ký kết và thực hiện các giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật
dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự cần xác lập. Về
cơ bản thì, một người từ đủ 18 tuổi trở lên, không thuộc các trường hợp bị coi
là mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó
khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì được xem là người có năng lực hành vi
dân sự đầy đủ và được quyền tham gia vào hầu hết các giao dịch dân sự trong cuộc
sống (trừ một số trường hợp pháp luật quy định khác).
+
Sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập được hiểu là khi một chủ thể khi
tham gia xác lập một giao dịch nào đó thì nội dung, mục đích, độ phức tạp, giá
trị tài sản,… của giao dịch đó phải phù hợp với mức độ nhận thức, hiểu biết, độ
tuổi,… của chủ thể tham gia giao dịch. Ví dụ, một đứa trẻ 7 tuổi thì có quyền
tham gia xác lập các giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như
mua một ổ bánh mì để ăn sáng, mua một cây kem trước cổng trường... Những giao dịch
dân sự như vậy được coi là phù hợp với lứa tuổi, mức độ nhận thức của đứa trẻ
đó và được xem là đã đáp ứng điều kiện về chủ thể. Tuy nhiên, một đứa trẻ 7 tuổi
không thể trực tiếp tham gia ký kết một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
vì đây là một loại tài sản có giá trị lớn, vượt quá năng lực nhận thức của một
đứa trẻ 7 tuổi. Hợp đồng này nếu có xác lập thì sẽ bị pháp luật coi là vô hiệu do
không đáp ứng được điều kiện về mặt chủ thể như pháp luật đã quy định.
-
Thứ hai, điều kiện về sự tự nguyện:
Bản
chất của giao dịch dân sự là sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên, sự thỏa thuận
này phải là sự tự do bày tỏ ý chí, nguyện vọng, mục đích… của các bên. Sự tự
nguyện hiểu đơn giản chính là sự thống nhất giữa các ý chí và sự bày tỏ ý chí
đó ra bên ngoài, các bên xác lập giao dịch dân sự không phải do bị ép buộc, đe
dọa, lừa dối... Nếu các giao dịch dân sự được xác lập mà vi phạm điều kiện về sự
tự nguyện cũng sẽ bị pháp luật coi là vô hiệu.
-
Thứ ba, điều kiện về mục đích và nội dung của giao
dịch dân sự:
Pháp luật quy định, một giao dịch dân sự được xác lập để được pháp luật coi là
có hiệu lực thì mục đích và nội dung của giao dịch dân sự đó phải không vi phạm
điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015
định nghĩa như sau về điều cấm của luật và đạo đức xã hội:
“Điều
cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những
hành vi nhất định.”
“Đạo
đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng
thừa nhận và tôn trọng.”
-
Thứ tư, điều kiện về mặt hình thức của giao dịch dân sự:
Giao
dịch có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như bằng lời nói, văn
bản, hành vi,… Trong một số loại giao dịch dân sự, pháp luật có những ràng buộc
nhất định về mặt hình thức, nếu không đáp ứng được thì sẽ bị pháp luật coi là
vô hiệu. Tuy nhiên, hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng
trong trường hợp luật có quy định mà thôi. Ngoài ra thì, nếu pháp luật không
quy định thì điều kiện này sẽ không được áp dụng. Chẳng hạn như đối với hợp đồng
chuyển nhượng quyền sử dụng đất, pháp luật về đất đai quy định bắt buộc hợp đồng
phải được lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Trong trường hợp
này thì hình thức được xem là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Còn trong trường
hợp chúng ta mua những mặt hàng đơn giản để nhằm phục vụ cho những nhu cầu thiết
yếu hằng ngày thì đây là những loại giao dịch dân sự đơn thuần, có thể được
giao kết và thực hiện dưới hình thức bằng lời nói hoặc văn bản mà không cần
công chứng, chứng thực. Đối với những loại giao dịch dân sự như vậy thì hình thức
không được coi là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự đó.
Chúng
tôi hi vọng rằng, những kiến thức pháp lý nêu trên sẽ đem lại hữu ích cho các bạn
khi tham gia xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trong cuộc sống hàng
ngày.
0 Nhận xét