Việc kết hôn một cách hợp pháp giữa nam và nữ sẽ làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Biểu hiện của quan hệ hôn nhân sẽ bao gồm nhóm quan hệ về mặt nhân thân và nhóm quan hệ về mặt tài sản. Nhóm quan hệ về mặt nhân thân trong quan hệ hôn nhân nó thuộc về một phạm trù thiêng liêng khác, ở đây chúng ta chỉ bàn về một số chế định pháp lý có liên quan đến quan hệ tài sản, dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành.
Xét ở mặt bằng chung, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của người
dân còn khá hạn chế, trong đó kiến thức pháp luật có liên quan đến chế độ
tài sản của vợ chồng cũng là một trong những nội dung pháp lý đáng để chúng ta phải lưu tâm.
Nhằm góp phần trong việc
phổ cập kiến thức pháp luật đến đông đảo các bạn, hôm nay, dựa trên các quy định
của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (đang có hiệu lực thi hành), chúng tôi sẽ
có một bài viết xung quanh vấn đề “chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận”.
Tại các Luật Hôn nhân
và Gia đình 1959, 1986, 2000, nhà làm luật chỉ ghi nhận duy nhất chế độ tài sản
của vợ chồng theo luật định. Nội dung chế độ tài sản này là phù hợp với đa số
gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp đặt duy nhất một chế độ tài sản cho tất cả
các cặp vợ chồng là chưa thực sự hợp lý, không đáp ứng kịp thời su thế phát triển
tất yếu của xã hội, nó làm hạn chế quyền tự định đoạt của người có tài sản theo
quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Từ đó, khi xây dựng Luật Hôn nhân và
Gia đình năm 2014, các nhà làm luật đã bổ sung thêm chế độ tài sản của vợ chồng
theo thỏa thuận. Việc làm này là hết sức cần thiết, vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa
đáp ứng kịp thời các nhu cầu tất yếu của xã hội, giúp cho các cặp vợ chồng có
thêm sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh của mình; vừa đảm
bảo được nguyên tắc tự định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình như Hiến
pháp và Bộ luật Dân sự đã ghi nhận. Chúng ta có thể coi đây là một sự đột phá của
Luật hôn nhân và gia đình (so với các luật cũ đã ban hành, sửa đổi 3 lần trước
đó).
Hiện nay, chế độ tài sản
theo thỏa thuận được quy định tại các Điều 47, 48, 49, 50 và Điều 59 Luật Hôn
nhân và Gia đình năm 2014, như sau:
“Điều 47. Thỏa thuận
xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Trong trường hợp hai
bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được
lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế
độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết
hôn.
Điều 48. Nội dung cơ bản
của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
1. Nội dung cơ bản của
thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:
a) Tài sản được xác định
là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Quyền, nghĩa vụ của
vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản
để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
c) Điều kiện, thủ tục
và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
d) Nội dung khác có
liên quan.
2. Khi thực hiện chế độ
tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận
hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và
32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.
Điều 49. Sửa đổi, bổ
sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
1. Vợ chồng có quyền sửa
đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản.
2. Hình thức sửa đổi, bổ
sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận được áp dụng
theo quy định tại Điều 47 của Luật này.
Điều 50. Thỏa thuận về
chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu
1. Thỏa thuận về chế độ
tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường
hợp sau đây:
a) Không tuân thủ điều
kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật
khác có liên quan;
b) Vi phạm một trong
các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;
c) Nội dung của thỏa
thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi
ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
2. Tòa án nhân dân tối
cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn
khoản 1 Điều này.
Điều 59. Nguyên tắc giải
quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Trong trường hợp chế
độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên
thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của
hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều
này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ
tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được
áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng
quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61,
62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ
chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia
đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của
vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động
của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính
đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều
kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên
trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ
chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo
giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình
được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ,
chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào
tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự
sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu
về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào
khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành
vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
6. Tòa án nhân dân tối
cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn
Điều này.”
Từ những quy định nêu
trên, chúng ta có thể nhận thấy những đặc trưng cơ bản về chế độ tài sản của vợ
chồng theo thỏa thuận:
- Thứ nhất,
điều kiện để thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực pháp luật, cần đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
+ Về thời điểm tạo lập
thỏa thuận: Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bắt buộc phải được tạo
lập trước khi hai bên tiến hành kết hôn. Nếu sau khi kết hôn mới tiến hành tạo
lập thỏa thuận về chế độ tài sản thì thỏa thuận đó sẽ không có giá trị pháp lý.
Ngoài ra, nếu các bên có tiến hành thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng sau đó lại
không tiến hành xác lập quan hệ hôn nhân (không đi đăng ký kết hôn theo quy định
của pháp luật) thì thỏa thuận đó cũng sẽ bị pháp luật coi là vô hiệu.
+ Về hình thức của
thỏa thuận: Pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định bắt buộc hình thức của
thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải là văn bản và có công chứng hoặc
chứng thực. Nếu thỏa thuận không tuân thủ quy định trên thì cũng sẽ bị pháp luật
coi là vô hiệu.
+ Thời điểm xác lập
(thời điểm có hiệu lực): Kể từ ngày hai bên nam, nữ tiến hành đăng ký kết
hôn theo đúng quy định của pháp luật, thỏa thuận về chế độ tài sản của họ sẽ bắt
đầu có hiệu lực. Hai bên vợ chồng sẽ thực hiện chế độ tài sản theo đúng như các
điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận và sẽ luôn chịu sự ràng buộc bởi văn bản thỏa
thuận đó.
+ Điều kiện về nội
dung của thỏa thuận: Thỏa thuận này phải không vi phạm các nguyên tắc chung
đối với chế độ tài sản của vợ chồng như: Không được xâm phạm quyền bình đẳng của
vợ và chồng, không xâm phạm đến lợi ích chung của gia đình và của bên thứ ba.
- Thứ hai,
nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
Đối với loại chế độ tài
sản theo thỏa thuận, pháp luật cho phép các cặp vợ chồng tự do thỏa thuận về vấn
đề tài sản giữa họ. Tuy nhiên, về cơ bản thì nội dung thỏa thuận đó phải thể hiện
được các vấn đề sau: Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của
vợ, chồng; Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và
giao dịch có liên quan; Tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; Điều
kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản.
- Thứ ba,
vấn đề sửa đổi, bổ sung, thay đổi thỏa thuận
+ Sau khi kết hôn, vợ
chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản bất kỳ thời điểm
nào. Họ có thể sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của thỏa thuận.
Việc sửa đổi, bổ sung này phải được thực hiện bằng hình thức văn bản và có công
chứng hoặc chứng thực. Khi đó thỏa thuận sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực kể từ
thời điểm văn bản thỏa thuận được công chứng hoặc chứng thực.
+ Ngoài ra, nếu không
muốn tiếp tục thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận thì hai vợ chồng cũng có
thể thỏa thuận áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Việc thay đổi này cũng phải
được thực hiện theo hình thức văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Khi hai
vợ chồng đã thống nhất với nhau là sẽ chuyển từ chế độ tài sản theo thỏa thuận
sang chế độ tài sản theo luật định thì sẽ không được phép quay lại áp dụng chế
độ tài sản theo thỏa thuận được nữa.
+ Thỏa thuận về chế độ
tài sản của vợ chồng ngoài việc có hiệu lực đối với hai vợ chồng ra còn có thể
phát sinh hiệu lực đối với bên thứ ba, đó là những người có quyền và lợi ích
liên quan. Vì vậy, để tránh trường hợp hai vợ chồng thay đổi, bổ sung thỏa thuận
về tài sản để trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba thì pháp luật quy định bắt buộc
đối với hai vợ chồng khi thực hiện việc thay đổi, bổ sung phải thông báo những
nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung đó cho bên thứ ba được biết. Nếu vợ
chồng vi phạm nghĩa vụ này thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những
thiệt hại của bên thứ ba và bên thứ ba này có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa
thuận về tài sản của vợ chồng là vô hiệu theo quy định của pháp luật.
- Thứ tư,
thẩm quyền và căn cứ để tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng là
vô hiệu
Thẩm quyền tuyên bố thỏa
thuận về chế độ tài sản của vợ chồng là vô hiệu hiện nay thuộc về Tòa án nhân
dân. Điều kiện để Tòa án xem xét và tuyên bố thỏa thuận đó là vô hiệu thì phải
có yêu cầu của bên thứ ba (có liên quan) và phải dựa trên một trong hai căn cứ
sau đây:
+Một,
thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không tuân thủ điều kiện có hiệu lực
của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác có
liên quan. Tức là thỏa thuận đó vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch
dân sự theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015 bao gồm: Điều kiện về
chủ thể; điều kiện về sự tự nguyện; Điều kiện về mục đích và nội dung của giao
dịch dân sự; Điều kiện về hình thức của giao dịch dân sự.
+Hai,
thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vi phạm các nguyên tắc chung về chế độ
tài sản. Tức là thỏa thuận xâm phạm đến quyền bình đẳng của vợ và chồng, quyền
và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình và của bên thứ ba.
Như vậy, để các bạn dễ hình dung hơn, chúng ta có thể coi "chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận" giống như một bản hợp đồng dân sự đặc biệt, kèm theo nó là sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng về các quyền và nghĩa vụ đối với các tài sản sẽ hình thành trong thời kì hôn nhân, bản thỏa thuận này sẽ phát sinh hiệu lực kể từ khi kết hôn hợp pháp (nếu bản thỏa thuận đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực như đã liệt kê ở trên) .
0 Nhận xét