Hợp đồng vô hiệu tồn tại khá phổ biến trên
thực tế. Đối với loại hợp đồng này khi xảy ra tranh chấp thì thiệt hại của nó là
rất lớn.
Vụ án ông Lê Văn Dư (TPHCM) mua đất đã được 15 năm nhưng nay bất ngờ bị bên bán kiện đòi lại và bị Tòa án nhân dân Quận Gò Vấp, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên hợp đồng vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức (gần đây) là một ví dụ điển hình trong trường hợp này. Sự thiệt hại là rất lớn, ngoài sự thiệt hại về vật chất ra còn có sự tổn hại nghiêm trọng về mặt tinh thần, đến mức bị đơn đã phải nhảy lầu tự tử sau khi nghe Tòa án cấp phúc thẩm tuyên án hủy hợp đồng chuyển nhượng do vô hiệu về mặt hình thức, tuy nhiên là may mắn đã có người ngăn lại kịp thời nên không dẫn đến tử vong.
Trong ví dụ vụ án nêu trên (các bạn có thể tìm đọc vụ án trên mạng, nếu có nhu cầu tìm hiểu), Ông Lê Văn Dư chỉ là một trong những người dân thông thường không nắm bắt được các quy định của pháp luật cơ bản khi tiến hành các giao dịch dân sự, dẫn đến giao dịch đó bị pháp luật coi là vô hiệu.
Trở lại với các căn cứ pháp lý quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực
khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp
luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch
dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của
giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân
sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy
định.”
Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) lại quy định:
“…Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Đối chiếu với các quy định trích dẫn ở trên, hợp đồng chính là một loại giao dịch dân sự và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng cũng là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
Nhìn vào quy định tại khoản 2 Điều 117 BLDS nêu trên có thể thấy rằng, trong một số trường hợp, để một hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì nó phải tuân thủ theo đúng quy định về hình thức mà pháp luật có quy định.
Chẳng hạn như, trong trường hợp chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khoản 2 Điều 35 quy định như sau:
“2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở
hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”
Hay trong quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định:
“3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền
sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo
quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức
hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.”
Vậy nếu các bên tham gia giao kết hợp đồng nhưng không tuân thủ quy định về hình thức thì hệ quả pháp lý cho tình huống này sẽ ra sao?
Điều 122 BLDS có quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”
Có nghĩa rằng, nếu các bên trong hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức theo quy định của luật thì hợp đồng đó sẽ vô hiệu. Hệ quả pháp lý của việc hợp đồng vô hiệu sẽ được giải quyết theo quy định của Điều 131 Bộ luật dân sự (cơ bản là hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận).
Tuy nhiên, bên cạnh các quy định của pháp luật về điều kiện bắt buộc đối với hình thức của hợp đồng, chúng ta cũng cần lưu ý thật kỹ rằng, pháp luật hiện hành vẫn có hai trường hợp ngoại lệ mà khi hợp đồng không đáp ứng được điều kiện về mặt hình thức theo quy định của Luật nhưng vẫn không bị coi là vô hiệu. Hai ngoại lệ này được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 129 BLDS:
“Giao dịch dân sự vi phạm quy
định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
2. Giao dịch dân sự đã được
xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng
thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ
trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định
công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không
phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”
Trên đây là những phân tích về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề hợp đồng vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức. Để hạn chế tối đa các rủi ro không đáng có trong quá trình tham gia ký kết và thực hiện các hợp đồng dân sự, kinh doanh thương mại, đầu tư,… Văn phòng Luật sư Nam Kinh chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn, soạn thảo, đồng hành cùng quý đọc giả, quý khách hàng các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực hợp đồng.
----------------------------------------------------
VĂN PHÒNG LUẬT
SƯ NAM KINH
Địa chỉ: 316
Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline:
0906759286 - 0979888286
Email:
king.lawyer.vn@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/vanphongluatsunamkinh/
0 Nhận xét