GIỚI THIỆU VỀ CHÚNG TÔI

header ads

VẤN ĐỀ TẢO HÔN VÀ HẬU QUẢ PHÁP LÝ


Hiện nay, tình trạng tảo hôn tồn tại khá phổ biến ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở vùng cao và vùng sâu. Một trong các nguyên nhân chủ yếu tồn tại thực trạng này là do phong tục tập quán (mong muốn lập gia đình sớm) và do nhận thức về pháp luật về hôn nhân & gia đình còn rất hạn chế.

Để mọi người có thể nắm rõ hơn về vấn đề tảo hôn, chúng tôi gửi đến các bạn bài viết này để nhận định về các cơ chế pháp lý có liên quan đến nó.

Trước hết, chúng ta cần nắm rõ về khái niệm Tảo hôn: “Tảo hôn là hành vi lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn …” – (trích khoản 8, Điều 3 Luật hôn nhân & Gia đình 2014)

Có nghĩa rằng, những trường hợp “lấy vợ, lấy chồng” mà khi một trong hai bên (hoặc cả hai bên) chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân & Gia đình thì sẽ bị pháp luật coi là Tảo hôn.

Về độ tuổi kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình, được quy định chi tiết tại điểm a, khoản 1, Điều 8:

 “Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a)     Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b)     …………..”

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì hành vi ‘lấy vợ, lấy chồng” khi mà nam chưa từ đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ từ 18 tuổi trở lên thì sẽ bị pháp luật coi là tảo hôn.

Tảo hôn thường xảy ra ở vùng cao, vùng sâu, nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống...

Hậu quả pháp lý (các hình thức chế tài)

Trước đây, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 thì hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật hoặc Tảo hôn có thể bị xem xét để xử lý về mặt hình sự, nó được quy định tương đối chi tiết tại Điều 149 và một phần của điều 148 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, khi Bộ luật hình sự năm 2015 ra đời thì hành vi tảo hôn, kết hôn trái pháp luật đã không bị xử lý về mặt hình sự nhưng các hành vi đó vẫn bị áp dụng bởi nhiều hình thức chế tài theo các quy định của Luật hôn nhân và gia đình và các văn bản pháp luật khác có liên quan:

1. Bị tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét hủy kết hôn trái pháp luật theo yêu cầu của một trong các chủ thể có thẩm quyền yêu cầu.

Chủ thể có thẩm quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật được quy định chi tiết tại Điều 10, Luật hôn nhân & Gia đình như sau:

Điều 10. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;”

Khi kết hôn trái pháp luật bị hủy thì các quyền và nghĩa vụ đối với con cái sẽ được áp dụng theo các cơ chế pháp lý như hai vợ chồng ly hôn.

Nếu còn tồn tại các quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh trước khi quan hệ hôn nhân trái pháp luật bị hủy (như hợp đồng dân sự, tranh chấp dân sự, tài sản chung, nợ chung…) thì sẽ áp dụng phân chia quyền và nghĩa vụ như trường hợp không kết hôn nhưng sống chung như vợ chồng.

2. Ngoài hình thức chế tài nêu trên, người vi phạm còn có thể bị xem xét xử phạt bằng tiền, được quy định bởi Điều 47, nghị định số 110/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 24/09/2013, như sau:

"Điều 47. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.

Tuy nhiên, trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 47 trích dẫn ở trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được xử phạt khi sự việc đã từng bị Tòa án nhân dân ban hành Quyết định buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật nhưng hành vi đó vẫn được cố ý duy trì (lưu ý là với lỗi cố ý, để loại trừ các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch họa …).

3. Ngoài 2 hình thức chế tài nêu trên, chúng ta cần lưu ý thêm:

- Đối với trường hợp người chồng đã đủ 18 tuổi trở lên, vợ từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì người chồng còn có thể bị xem xét xử lý về mặt hình sự đối với tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 15 năm tù, thấp nhất là 1 năm tù (Điều 145 Bộ luật hình sự năm 2015)…; 

Dù Bộ luật hình sự hiện hành không còn quy định về tội Tảo hôn nhưng vẫn xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức tảo hôn - Tội tổ chức tảo hôn vẫn được quy định tại Điều 183 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức hình phạt đối với tội danh này là phạt tiền từ 10.000.000 VND  đến 30.000.000 VND hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Gọi Chúng Tôi