Khiếu
nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục
do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại
quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của
người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật
cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái
pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (khoản , Điều 2 Luật
Khiếu nại năm 2011)
Hiện
nay, các vụ việc khiếu nại xảy ra tương đối phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực
quản lý về đất đai, nhiều vụ việc khiếu nại từ cấp địa phương đến cấp trung
ương, kéo dài cả thập kỷ mà vẫn chưa có hồi kết. Vụ khiếu nại về lĩnh vực đất
đai ở khu đô thị Thủ Thiêm, Quận 2, Tp Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình…
Qua nhiều năm trải nghiệm
từ thực tiễn, chúng tôi đúc kết được rằng, các vụ việc khiếu nại bị kéo dài
thông thường là vì các lý do chủ yếu sau đây:
1.Cán
bộ có thẩm quyền ở địa phương nắm bắt và vận dụng pháp luật về khiếu nại không
đầy đủ, không chính xác, dẫn đến vụ việc bị bế tắc hoặc lòng vòng trong
khâu giải quyết. Lỗi mà các cán bộ có thẩm quyền (từ khâu nhận đơn đến khâu giải
quyết) thường mắc phải nhất đó là:
-
Thứ nhất, khi tiếp nhận đơn khiếu nại của công dân, xét về mặt nguyên tắc và
theo quy định của pháp luật thì cán bộ tiếp nhận đó phải có trách nhiệm tiếp nhận
đơn khiếu nại, đó là một nghĩa vụ được pháp luật quy định, không có quyền từ chối,
trong trường hợp đơn khiếu nại chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận cũng
phải có trách nhiệm hướng dẫn viết đơn tại chỗ và sau đó là nhận đơn, cấp giấy
biên nhận hoặc vào sổ theo dõi…nhưng trên thực tế thì việc này ít xảy ra, họ
thường gây khó khăn bằng cách cố tìm ra một hoặc nhiều lý do để người đi
nộp đơn phải đi lại mất nhiều thời gian, chán nản…
-
Thứ hai, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, cán bộ có
thẩm quyền phải có văn bản thông báo cho người nộp đơn biết là đơn khiếu nại đã
được thụ lý hay không được thụ lý, việc ban hành văn bản này cũng là mang tính
bắt buộc, đã được quy định tại Điều 27 Luật khiếu nại 2011(lưu ý rằng, kể cả
trường hợp đơn khiếu nại không được thụ lý vì bất kì lý do gì thì cán bộ có thẩm
quyền cũng phải ban hành văn bản thông báo đến người khiếu nại biết, nêu rõ lý
do), nhưng trên thực tế điều này ít xảy ra (hầu như các cơ quan nhận
đơn không có văn bản thông báo thụ lý hoặc không thụ lý trong thời hạn 10 ngày
như luật định). Điều này cũng là một trong các lý do khiếu nhiều người khiếu
nại hoang mang, thậm chí không yên tâm nên đã khiếu nại tràn lan,vượt cấp…
-
Thứ ba, các chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không đúng thời hạn như
Điều 28 Luật khiếu nại đã quy định, luật quy định thời hạn giải quyết khiếu nại
là 30 đến 45 ngày nhưng trên thực tế các vụ khiếu nại thường bị ngâm đến vài
tháng (hoặc hơn) mới có văn bản trả lời (văn bản trả lời này đúng hay sai luật
còn chưa bàn đến);
-
Thứ tư, các chủ thể có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại không ban
hành “quyết định giải quyết đơn khiếu nại”, mà đa số là ban hành dạng
công văn giải quyết, là vì nhiều cán bộ cơ quan hành chính không hiểu được rằng,
công văn chính là một loại hành vi hành chính, nó không thể thay thế quyết định
hành chính. Sự hiểu lầm này của cán bộ có thẩm quyền nó gây ra hệ quả nghiêm trọng,
dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết giữa cấp trên và cấp
ban hành công văn (sự đùn này có thể kéo dài một hoặc vài năm/1 vụ khiếu nại
về đất đai đơn lẻ - để phân tích điều này cần phải có một bài viết độc lập,
chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật sau).
2.
Do người dân, tổ chức đi khiếu nại nắm bắt các quy định về pháp luật có liên
quan còn quá hạn chế:
-
Không nhận thức được rằng, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo bất kì cá nhân,
tổ chức hoặc cơ quan nhà nước nào vi phạm pháp luật, việc khiếu nại, tố cáo này
có thể được thực hiện ngay khi phát hiện cán bộ thụ lý hoặc cán bộ giải quyết
có hành vi vi phạm pháp luật: Ví dụ, khiếu nại hoặc tố cáo về việc cán bộ
vi phạm điều 27 Luật khiếu nại (không có văn bản thông báo thụ lý hoặc không thụ
lý); Tố cáo “hành vi không nhận đơn khiếu nại” theo đúng với quy định của pháp
luật khiếu nại (như bày vẽ ra lý do để từ chối nhận đơn thay vì phải có trách
nhiệm hướng dẫn viết đơn tại chỗ…);
Chúng
ta cần lưu ý thêm, việc cán bộ có thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại quá thời
hạn được quy định tại Điều 28 Luật khiếu nại thì công dân cũng có quyền khiếu nại
hoặc tố cáo theo các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; hoặc cũng có
thể khiếu nại, tố cáo vì cán bộ giải quyết đơn khiếu nại “không ban hành quyết
định giải quyết đơn khiếu nại” như pháp luật đã quy định (mà chỉ ban hành
công văn giải quyết như trên thực tiễn thường xảy ra…)
Trên
thực tế thì người dân thường cam chịu, không biết tận dụng các quyền mà pháp luật
đã ghi nhận như đã nêu trên, đây cũng là một trong các lý do gián tiếp tạo ra sự
“chây ì” trong việc giải quyết đơn khiếu nại của các cán bộ có thẩm quyền,
có trách nhiệm…
-Ngoài
ra, khi đến gửi đơn trực tiếp, người khiếu nại có thể sẽ bị cán bộ ở bộ phận tiếp
nhận đơn gây khó khăn như đã nêu ở trên, vì thế chúng ta cần phải có những cách
thức gửi đơn, cách thức tiếp cận và thu thập chứng cứ, để làm sao mà đơn khiếu
nại của mình sẽ được coi là đã được tiếp nhận một cách hợp pháp (hoặc đã bị từ
chối nhận)!
Bởi
vì nhiều trường hợp, người khiếu nại bị từ chối nhận đơn ngay từ ban đầu thì sẽ
không có căn cứ để chứng minh là mình đã gửi đơn (hoặc bị từ chối nhận
đơn), từ đó cũng không có căn cứ để chứng minh được cán bộ có thẩm quyền thụ lý
và giải quyết đã vi phạm về thời hạn giải quyết, đồng thời cũng sẽ rất khó khăn
để khiếu nại lên cấp trên trực tiếp. Do vậy, nếu gặp phải trường hợp này thì
người khiếu nại sẽ dễ dàng rơi vào vòng luẩn quẩn: Tiếp tục khiếu nại ở cấp dưới
thì bị gây khó, không nhận đơn; khiếu nại lên cấp trên thì bị trả đơn về cấp dưới
do cấp dưới chưa từng nhận đơn, chưa từng giải quyết lần nào (mà lại thiếu căn
cứ để chứng minh cho việc từ chối nhận đơn của cấp dưới…), cứ như vậy, người
khiếu nại, tố cáo sẽ hao tổn rất nhiều thời gian và trí lực để theo đuổi cái
vòng luẩn quẩn này…
Để
việc khiếu nại, tố cáo được tiến hành một cách suôn sẻ, đúng luật và kịp thời,
chúng ta cần phải am hiểu kỹ về các quy định của pháp luật hiện hành, bởi vì nếu
khiếu nại và tố cáo thiếu căn cứ, không đúng và đầy đủ theo các quy định của
pháp luật thì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, những thiệt hại về tiền bạc
và thời gian chỉ là một trong những hậu quả …
Trên
đây, chúng tôi cũng chỉ có thể chia sẻ với các bạn về một số điểm cần lưu ý ở mức
độ cơ bản nhất, bởi vì để am hiểu một cách toàn diện hơn về các cơ chế pháp lý
có liên quan đến khiếu nại, tố cáo thì đòi hỏi ngoài việc phải được đào tạo về
kiến thức pháp luật ở mức độ chuyên sâu ra, cũng cần phải trải nghiệm rất nhiều
vụ việc phát sinh từ thực tiễn!