GIỚI THIỆU VỀ CHÚNG TÔI

header ads

GÓP VỐN & TIẾN ĐỘ GÓP VỐN VÀO CÔNG TY

- Kể từ khi bản Hiến pháp 1992 ra đời (nay bản Hiến pháp 2013 đang có hiệu lực thi hành), các tổ chức kinh tế tư nhân thi nhau nở rộ.

- Trải qua nhiều lần sửa đổi và bổ sung, Luật doanh nghiệp cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy mạnh mẽ sự ra đời của các tổ chức kinh tế tư nhân ở hầu như mọi lĩnh vực, trừ các lĩnh vực quan trọng, then chốt thì nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo (như dầu khí, viễn thông, điện lực, khai thác tài nguyên...)

- Các tổ chức kinh tế tư nhân được hình thành, tồn tại dưới dạng các mô hình chủ yếu như: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên …(gọi chung là các tổ chức kinh tế tư nhân).

Trong đó, mô hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên thường là mô hình được nhiều chủ thể lựa chọn nhất khi thành lập. Nguyên nhân vì sao mô hình này thường được lựa chọn, ưu và nhược điểm giữa các mô hình sẽ được phân tích, so sánh ở một bài viết khác.

- Với các cơ chế pháp lý về doanh nghiệp tương đối “thông thoáng” như hiện nay, việc thành lập ra một Công ty TNHH hai thành viên là rất đơn giản về mặt thủ tục. Tuy nhiên, khi đã đi vào hoạt động kinh doanh, các vấn đề có liên quan đến việc chia tách, sáp nhập, giải thể, góp vốn, chuyển nhượng vốn, phát sinh tranh chấp… thì sẽ có rất nhiều vấn đề cần bàn, trong đó chế định pháp lý về góp vốn, tiến độ góp vốn sẽ là một trong những nội dung có liên quan đến các vấn đề vừa nêu, do vậy chúng ta cần phải lưu ý và cẩn trọng.

- Liên quan đến việc góp vốn trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có bốn nội dung quan trọng mà chúng ta cần phải nắm rõ, đó là:

 +Thứ nhất, về thời điểm góp vốn;

 +Thứ hai, về tài sản góp vốn;

 +Thứ ba, thực hiện cam kết góp vốn;      

 +Thứ tư, hậu quả pháp lý của việc vi phạm cam kết góp vốn.

 


Tiền VND là một trong các lựa chọn thông dụng để góp vốn

 Chúng ta sẽ lần lượt xem xét về các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến 4 nội dung trên:

1. Thời điểm góp vốn:

Hiện nay, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì có hai thời điểm góp vốn vào Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

+ Góp vốn tại thời điểm thành lập công ty

+ Góp vốn sau khi công ty đã được thành lập với tư cách là người gia nhập vào công ty.

Góp vốn tại thời điểm thành lập là chúng ta sẽ góp vốn như đã cam kết khi đăng ký thành lập

Góp vốn sau khi công ty đã được thành lập thường được thực hiện thông qua phương thức huy động thêm vốn góp bằng hình thức tăng số lượng thành viên góp vốn để tăng thêm vốn điều lệ (điều chỉnh vốn điều lệ theo thủ tục do pháp luật quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh - vấn đề này chúng ta hết sức lưu ý để tránh việc góp vốn sẽ không có giá trị khi xảy ra tranh chấp, chúng tôi cũng sẽ có bài viết về vấn đề này sau)

Cơ sở pháp lý: Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020:

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.

2. Tài sản góp vốn:

Hiện nay, loại tài sản phổ biến nhất mà các chủ thể thường lựa chọn để góp vốn là tiền VND, vàng, ngoại tệ tự do chuyển đổi (sẽ được quy ra VND), giá trị quyền sử dụng đất. Ngoài ra còn có nhiều loại tài sản khác mà các chủ thể có thể dùng để góp vốn đó là: Giá trị quyền sở hữu trí tuệ (như quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp,…) công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.”

 3. Thực hiện cam kết góp vốn:                

Khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.

Như vậy, pháp luật quy định cho phép chủ thể góp vốn có quyền cam kết về việc góp vốn, tuy nhiên có giới hạn về thời hạn cam kết, cụ thể thời hạn tối đa để thực hiện cam kết đó là “90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”. Trong thời hạn này, chủ thể góp vốn phải có nghĩa vụ góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp (các doanh nghiệp hiện nay đa số vi phạm về thời hạn góp vốn, khi xảy ra các sự kiện pháp lý thì nó sẽ phát sinh nhiều vấn đề rất phức tạp). Tuy nhiên, thực tế cũng xảy ra trường hợp chủ thể cam kết góp vốn muốn thay đổi tài sản góp vốn so với cam kết ban đầu. Muốn thực hiện điều này, họ phải được trên 50% số thành viên còn lại tán thành.

4. Hậu quả pháp lý của việc vi phạm cam kết góp vốn (vấn đề cuối):

Vấn đề này được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:

“3. Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:

a) Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

b) Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

c) Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

4. Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.”

- Góp vốn đủ và đúng tiến độ là nghĩa vụ mà các thành viên công ty phải thực hiện, khi vi phạm cam kết góp vốn, pháp luật đã đặt ra các chế tài tương đối chi tiết với họ. Họ có thể bị tước tư cách thành viên công ty, bị giới hạn một số quyền và nghĩa vụ nhất định, các trường hợp chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian theo luật định…

- Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp mới thành lập có thành viên vi phạm về tiến độ góp vốn, điều này kéo theo nhiều hệ luỵ pháp lý rất phức tạp nếu phát sinh tranh chấp về các quyền và nghĩa vụ có liên quan!

 


Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Gọi Chúng Tôi