GIỚI THIỆU VỀ CHÚNG TÔI

header ads

TÌNH HÌNH CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM


Việt Nam chống tham nhũng đang ở giai đoạn “cao trào” giống như Trung Quốc đã từng trải qua ở những năm 90 của thế kỷ trước, có nghĩa rằng, Việt Nam cần phải mất khoảng 30 năm để thực hiện chiến dịch chống tham nhũng một cách rất tích cực nữa thì mới đạt đến giai đoạn của Trung Quốc hiện nay.

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm khá tương đồng về ý thức hệ và thể chế (Đảng CS lãnh đạo toàn diện), chung một đường lối lãnh đạo (tập trung dân chủ), nhưng do Trung Quốc là đất nước được giải phóng và độc lập trước Việt Nam cũng gần 30 năm. Có thể đây là một trong các nguyên nhân chính mà Việt Nam luôn phải đi sau Trung Quốc về nhiều mặt (trong đó có chính sách,chiến dịch chống tham nhũng),có thể nói rằng, đây chẳng qua cũng chỉ là một quy luật tất yếu khách quan!

Như vậy, để hiểu rõ hơn chúng ta đang đứng ở giai đoạn nào trong công cuộc phát động phong trào, chiến dịch chống tham nhũng, chúng ta nên tìm hiểu về " lịch sử chống tham nhũng"  từng xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc tại 2 thời kì điển hình để quan sát: 

1- Giai đoạn đất nước chưa thống nhất (các đảng phái đang giằng xé quyền lực lẫn nhau)

2- Giai đoạn sau giải phòng -  kinh tế bắt đầu trở mình (như Việt Nam hiện nay).

* Chúng ta có thể lấy bối cảnh của thập kỷ trước những năm 40 của thế kỷ trước của Trung Quốc để nghiên cứu cho giai đoạn 1.

Điển hình giai đoạn cao trào của chiến dịch chống tham nhũng là những năm của đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, lúc đó, tại Thượng Hải, Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch thao túng, việc tập trung quyền lực gần như ở mức gần như tuyệt đối, điều này đã làm cho nhiều nhà quan sát chính trị lầm tưởng rằng, việc tập trung quyền lực này sẽ đem lại hiệu quả cao cho công cuộc chống tham nhũng thời bấy giờ, nhưng việc chống tham nhũng do chính Tưởng Giới Thạch khởi xướng lại gặp thất bại nặng nề! 

Thời điểm đó, con trưởng của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc (bạn học của Đặng Tiểu Bình và rất đam mê chủ thuyết cộng sản thời học ở Liên Xô và từng áp dụng ở Thượng hải khi thực thi chính sách chống tham nhũng) từng một thời lấy chiến dịch chống tham nhũng làm thượng phương bảo kiếm để kiếm thành tích nhằm leo lên đỉnh cao của quyền lực, dưới sự bảo kê, dìu dắt của cha mình.Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ không đập ruồi” của Tưởng Kinh Quốc đã bị thất bại thảm hại vì đã đụng chạm đến nhóm lợi ích của Khổng Tường Hy (chồng của Tống Ái Linh,Tống Ái Linh là chị gái ruột của Tống Mỹ Linh – vợ thứ 2 của Tưởng Giới Thạch) và khi đó, chiến dịch "đả hổ không đập ruồi" đã biến thành chiến dịch "đập ruồi không đả hổ", khiến các nhà quan sát chính trị, các học giả thời bấy giời phải bật cười thành tiếng và coi đó như một vở hài kịch (bởi vì, khi mới đụng chạm, Khổng Tường Hy đã điện thoại dọa trực tiếp Tưởng Giới Thạch rằng, nếu Tưởng Kinh Quốc không ngưng lại chiến dịch chống tham nhũng thì ông ta sẽ công bố khoản tiền mà Tưởng Giới Thạch đã biển thủ từ các khoản viện trợ chiến tranh từ Mỹ đang được gửi tại ngân hàng Thụy Sỹ), chiến dịch chống tham nhũng rầm rầm rộ rộ của Tưởng Kinh Quốc sớm đã bị chấm dứt bằng 1 phát tát như trời giáng của chính cha ruột của mình mình (bay từ Nam Kinh về khi nghe được lời đe dọa qua điện thoại của họ Khổng)!

Có thể nói, trên đây là một trong các ví dụ điển hình để chứng minh cho việc chống tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn khi bộ máy nhà nước còn tồn tại quá nhiều "lợi ích nhóm", bởi các quyền và nghĩa vụ bất hợp pháp đan xen chằng chịt lẫn nhau, khó có thể "nhổ cỏ tận gốc" trong chiến dịch này.

* Sau giải phóng, đến khoảng cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ĐCS Trung Quốc dường như đã có thêm phần kinh nghiệm và tuyên chiến mãnh liệt hơn trong giai đoạn cao trào của chiến dịch chống tham nhũng, gần như "không có vùng cấm" khi khởi tố và bắt giam đối với Trần Hy Đồng – Nguyên ủy Viên TW Đảng CS Trung Quốc, Nguyên Bí Thứ Thành ủy Bắc Kinh thời bấy giờ (ông Trần Hy Đồng thời đó là một ngôi sao chính trị đang lên, vận quan đang thông thuận,một thời cực đỏ và từng tuyên bố trước khi bị bắt rằng “Dải đất Trung Hoa này không ai dám đụng đến lông chân của Trần Hy Đồng”), đây cũng là một điểm mốc quan trọng mà Trung Quốc đã đột phá trong quá trình thực hiện chiến dịch chống tham quan...

Về điểm mốc này, Việt Nam cũng mới bắt đầu “chạm tới” vào hồi năm 2017, khi mà người đầu tiên đang giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bị hệ thống cơ quan tư pháp khởi tố và xét xử!


(Trần Hy Đồng - nguyên Ủy Viên Bộ Chính Trị,Nguyên Bí thư Thành ủy Bắc Kinh bị đưa ra xét xử chấn động một thời tại Trung Quốc)

Như vậy, mặc dù trải qua một quá trình gần 30 năm tính từ thời điểm chống tham nhũng “không có điểm dừng, không có vùng cấm”, Trung Quốc không những không hạn chế hay dập tắt được nạn tham nhũng như kỳ vọng mà ngược lại,chính thể chế chính trị “một đảng lãnh đạo” đối với cả 3 hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp” đã tạo ra càng nhiều ổ tham nhũng, nhiều tổ chức “lợi ích nhóm” hình thành trên toàn diện rộng, ngày càng mãnh liệt, tinh vi và liều lĩnh hơn.

Để hiểu rõ hơn điều này chúng ta trở lại vụ án nổi đình nổi đám gần đây nhất mà ĐCS Trung Quốc đã “đốn củi, nấu lò” vào năm 2013, đó là vụ án về ngôi sao chính trị “đang tỏa sáng” Bạc Hy Lai – nguyên bí thư Thành ủy Tp Trùng Khánh, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị thời điểm đó, Bạc Hy Lai thuộc phe thái tử Đảng đầu tiên, là con của bát đại nguyên lão – công thần khai quốc Bạc Nhất Ba, đã bị tòa án ĐCS Trung Quốc tuyên án tù chung thân về các tội hối lộ, biển thủ và lạm dụng quyền lực công cộng .

Ngôi sao chính trị một thời Bạc Hy Lai - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy Tp Trùng Khánh,TQ bị khởi tố,bắt giam năm 2013 

Dẫn chứng nêu trên để cho chúng ta có thể hình dung được phần lớn Việt Nam đang đi đến những bước đi nào, kể từ khi áp dụng chiến thuật “ không có vùng cấm, không có điểm dừng...” như Trung Quốc đã áp dụng cách đây 30 năm.

Việt Nam đang đi trên những bước đi của Trung Quốc cả về thể chế chính trị lẫn các đối sách kinh tế (Đảng Cộng Sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội; phát triển nền kinh thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa- Điều 4, và điều 51 Hiến pháp 2013),trong đó việc thực hiện các quyết sách trong quá trình chống tham nhũng cũng được tái lặp, mặc dù là học hỏi có sự sàng lọc nhưng liệu sau 30 năm nữa Việt Nam có đảm bảo rằng, sẽ không đi vào vết xe đổ của ĐCS Trung Quốc trong chiến dịch chống tham nhũng ? Đây quả là một bài toán “quá nan giải” cho các nhà lập pháp,hành pháp và tư pháp của Việt Nam hiện tại và cả trong tương lai.
Có nhiều ý kiến đánh giá khôi hài rằng, việc chống tham nhũng ở Việt Nam “đã gặp khó khăn từ vòng gửi xe”: Họ lấy những vụ việc đơn giản nhất để minh họa cho sự khẳng định này (mà chính quyền không thể “chống”, khắc phục được) đó là các bãi gửi xe máy, xe ô tô trên cả nước và đặc biệt là tại các thành phố lớn, mặc dù chính quyền địa phương ban hành văn bản khống chế mức phí giữ xe máy, xe ô tô nhưng thực tế các bãi gửi xe tại các thành phố lớn vẫn ngang nhiên thu phí gấp 2-3 lần so với quy định! Họ có thể ngang nhiên coi thường, thách thức pháp luật và nhân dân như vậy là vì sao? Đó chẳng qua là vì có sự bảo kê của các cán bộ,nhóm lợi ích hoặc cơ quan nhà nước nào đó đã mục rữa!?

Nhìn vụ việc đơn cử nêu trên tưởng chừng có thể rất đơn giản nhưng lại cực kì phức tạp bởi các lợi ích nhóm có sự đan xen lẫn nhau một cách chằng chịt như màng nhện, có lần tôi thử hỏi tại sao ủy ban nhân dân Thành phố có ban hành văn bản khống chế mức phí giữ xe là như vậy mà sao anh (chị) liều mình ngang nhiên dám thu nhiều gấp 2-3 lần từ năm này qua năm khác (mà trốn thuế tràn lan năm này qua năm khác nữa) ? Cô giữ xe thu tiền nói rằng, “… phải chi cho các cán bộ bảo kê, đấu thầu chui (dựng lên cho đủ thành phần tham gia đấu thầu để thiết kế sao cho chị trúng thầu,chứ không công khai như luật định), ngoài ra còn chi cho cán bộ bảo kê định kỳ hàng tháng nữa, chị chẳng được bao nhiêu, mong anh thông cảm…” .

Những tiêu cực nhỏ nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến toàn diện xã hội, đến ý thức của mọi người dân và hàng ngày…nó lặp đi lặp lại một cách ngang nhiên như một sự coi thường và thách thức pháp luật, ngoài ra còn trốn thuế có thể lên cả ngàn tỷ mỗi năm trên toàn lĩnh vực (toàn quốc) thì quả là không hề nhỏ, hơn nữa nhỏ mà còn không quản lý, khống chế được thì việc khống chế cả một hệ thống tiêu cực quả là khó hơn lên ...cung trăng!? 

Mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều phải đang rất cố gắng giúp nhà nước trả nợ công thông qua việc nộp các loại thuế, phí (ngày càng tăng)..., trong khi các nhóm lợi ích vẫn bảo kê cho các hoạt động phi pháp một cách ngang nhiên, thu tiền dân một cách vô tội vạ (mà lại còn trốn thuế nữa), quả là ung nhọt của xã hội, của nhà nước – cắt đầu thì ung nhọt ở đuôi, cắt đuôi thì ung nhọt ở tay…,khó mà triệt tiêu tham nhũng, tiêu cực một cách toàn diện dù chỉ ở mức tương đối!


(Nguyên 2 Bộ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông bị đưa ra xét xử trong chiến dịch chống tham nhũng)

Thiết nghĩ, đã đến lúc Đảng và nhà nước nên (hay không) trưng cầu dân ý, tham khảo ý kiến của đông đảo nhân dân, đặc biệt là nên thông qua ý kiến phản biện một cách dân chủ, công khai, minh bạch của các tầng lớp tri thức trong xã hội, để từ đó ban hành và áp dụng các chính sách, các biện pháp chống tham nhũng, tiêu cực một cách hữu hiệu hơn(?).

Đăng nhận xét

1 Nhận xét

  1. best online casino | AMNHIE
    Find everything you need to know about the online casino and what it takes to get started. Read our casino reviews and play slots with bonus 온라인 카지노 조작 offers and new player

    Trả lờiXóa

Gọi Chúng Tôi