GIỚI THIỆU VỀ CHÚNG TÔI

header ads

VẤN ĐỀ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ


 

      Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sở hữu hoặc do mình sáng tạo ra, nó bao gồm cả quyền về nhân thân và quyền về tài sản. Quyền tác giả nằm trong quyền sở hữu trí tuệ, hoặc hiểu một cách khác, quyền sở hữu trí tuệ gồm có nhiều quyền, trong đó có quyền tác giả, những vấn đề phát sinh có liên quan đến các quyền này sẽ được điều chỉnh bởi các quy định của Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi năm 2022 và các văn bản dưới luật có liên quan.

     Hiện nay, trong các quyền thuộc quyền sở hữu trí tuệ thì các quyền về tác giả bị xâm hại tương đối phổ biến trên thực tiễn, do vậy với bài viết này, chúng tôi chỉ xem xét vấn đề quyền tác giả bị xâm hại và các chế định pháp lý cơ bản có liên quan để điều chỉnh. Các quyền về sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực khác, chúng tôi sẽ đề cập ở các bài viết sau.

     Việc xâm phạm về quyền tác giả trong đời sống thực tế hiện nay thường tồn tại dưới các hình thức chủ yếu như: sao chép, sử dụng tác phẩm mà không có sự cho phép của tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao hoặc sửa chữa, xuyên tạc tác phẩm gây thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng xấu đến danh dự và uy tín của tác giả... Các trường hợp xâm phạm quyền tác giả hiện nay được quy định cụ thể tại Điều 28 Luật SHTT bao gồm: 

1. Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này (quyền về nhân thân).

2. Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này (Quyền về tài sản).

3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật này.

4. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.

5. Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.

6. Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

7. Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

8. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật này.

- Bên cạnh đó, pháp luật về SHTT cũng quy định những biện pháp bảo hộ quyền SHTT do nhà nước áp dụng nhằm bảo vệ các chủ thể trước các hành vi xâm phạm. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp chế tài dân sự, hành chính hay hình sự:

 I- CÁC BIỆN PHÁP CHẾ TÀI DÂN SỰ

 “Điều 202. Các biện pháp dân sự

Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

4. Buộc bồi thường thiệt hại;

5. Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.”

 II- CÁC BIỆN PHÁP CHẾ TÀI  HÀNH CHÍNH & HÌNH SỰ

“Điều 211. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Điều 212. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự

Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

 Nhìn chung, hiện  nay pháp luật bảo hộ quyền SHTT tương đối toàn diện về mặt lý thuyết, trong đó có quyền tác giả. Nhưng trên thực tiễn các quyền về sở hữu trí tuệ vẫn bị xâm hại tương đối phổ biến, điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có các nguyên nhân chủ yếu như : Nhân sự không đáp ứng trong việc kiểm tra, xử lý đối với các vi phạm, vận dụng pháp luật không đồng bộ, không đầy đủ trong khâu kiểm tra và xử lý, các hình thức chế tài vẫn chưa thật sự đủ sức răn đe (so với lợi nhuận mà họ có được do hành vi xâm hại gây ra)…

Trên thực tế, việc phát sinh những tranh chấp về quyền tác giả đối với tác phẩm là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi chúng ta nắm bắt được đầy đủ hơn các chế định pháp lý về nó thì sẽ làm hạn chế tối đa việc nảy sinh các tranh chấp.

Để có thể tự bảo vệ quyền tác giả của chính mình cũng như để được hưởng một cách đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của tác phẩm do mình tạo ra (hoặc sở hữu) thì chủ sở hữu (hoặc tác giả) đối với tác phẩm nên chủ động nộp đơn đăng ký quyền tác giả tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo luật định để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Đây sẽ là một chứng thư quan trọng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả (hoặc chủ sở hữu tác phẩm) trong trường hợp có tranh chấp phát sinh. Nếu không nắm bắt được các thủ tục pháp lý một cách đầy đủ thì các bạn cũng có thể ủy quyền cho người khác để thay mặt cho mình thực hiện các công việc này một cách kịp thời./.

 ----------------------------------------------------

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NAM KINH

Địa chỉ: 316 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0906759286 - 0979888286

Email: king.lawyer.vn@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/vanphongluatsunamkinh/

 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Gọi Chúng Tôi