GIỚI THIỆU VỀ CHÚNG TÔI

header ads

ĐỊNH ĐOẠT QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÀ TÀI SẢN CHUNG SAU KHI LY HÔN


Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “…Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng…”

Sở hữu chung được pháp luật chia ra làm 2 loại: sở hữu chung hợp nhất và sở hữu chung theo phần.

Tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất, nó không thể xác định được phần nào là của ai, có nghĩa rằng, cả vợ và chồng đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với loại tài sản này.

Khác với tài sản chung hợp nhất, tài sản thuộc sở hữu chung theo phần thì có thể dễ dàng xác định được phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu trong khối tài sản chung đó.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trước (kể cả trong hoặc sau) khi khi tiến hành ly hôn, hai vợ chồng có quyền tự thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung, Tòa án luôn luôn ưu tiên việc tự thỏa thuận này, trên thực tế cũng không hiếm trường hợp các cặp vợ chồng chọn phương án tự thỏa thuận phân chia tài sản mà không cần sự can thiệp của Tòa án vào việc phân chia, điều này có nhiều ý nghĩa và lợi ích đối với các bên: Vừa đơn giản hóa thủ tục, không mất thêm nhiều thời gian giải quyết, tiết kiệm được khoản tiền án phí, lệ phí định giá tài sản,lệ phí thi hành án .…

Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít trường hợp sau khi bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật nhiều năm, họ vẫn chưa tiến hành thỏa thuận việc phân chia tài sản chung (mà đa số là quyền sử dụng đất). Điều này dẫn đến rất nhiều rủi ro pháp lý cho các bên khi tham gia giao dịch đối với quyền sử dụng đất trong trường hợp này.

Để làm rõ hơn về mặt cơ chế pháp lý đã nêu, chúng tôi sẽ lấy một vụ việc tranh chấp dân sự gần đây nhất mà Văn phòng Luật sư Nam Kinh đã đảm nhận, có liên quan đến nội dung này để làm ví dụ minh họa:

Ông A và bà B đã ly hôn theo bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Trong bản án ly hôn có ghi nhận: Các bên sẽ tự thỏa thuận việc phân chia tài sản chung.

Cho đến nay, sau hơn 5 năm ly hôn, họ vẫn chưa tiến hành phân chia phần tài sản đó. Sau này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản chung của họ, ông A và bà B thống nhất để cho một mình bà B đứng tên trên GCN này. Do đây là tài sản chung của hai người nên khi họ muốn để cho một mình bà B đứng tên thì UBND cấp xã đã yêu cầu ông A làm Giấy cam kết đồng ý cho bà B một mình đứng tên trên GCN quyền sử dụng đất (bản cam kết này được UBND cấp xã chứng thực, nội dung chỉ cho phép một mình bà B đứng tên đại diện cho 2 người, không có nội dung ông A ủy quyền cho bà B được quyền tự mình định đoạt tài sản chung này,trong đơn cũng không công nhận toàn bộ quyền sử dụng đất đã cấp này là tài sản riêng của bà B). Sau đó bà B đã tự mình chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung cho bên thứ 3, người nhận chuyển nhượng (bên thứ 3 mua) thì cho rằng, bà B đã ly hôn, nay lại một mình đứng tên trên Giấy chứng nhận nên đây là tài sản riêng của bà B. Đây cũng là nguồn cơn gây ra sự tranh chấp triền miên nhiều năm giữa các bên sau này.

Vậy trong tình huống trên, bà B muốn chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình trong khối tài sản chung nêu trên thì phải làm cách nào để được pháp luật công nhận?

Trong trường hợp này, bà B và ông A có thể lập văn bản thỏa thuận (có công chứng hoặc chứng thực, nội dung không vi phạm các quy định của pháp luật) để phân chia phần quyền sử dụng đất là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của hai người. Sau khi tiến hành thỏa thuận phân chia xong (hoàn tất thủ tục đăng bộ), bà B hoàn toàn có quyền tự định đoạt đối với phần quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bà mà không cần phải có sự tham gia ký kết hay đồng ý của ông A.

Trong trường hợp chưa tiến hành phân chia thì phần quyền sử dụng đất vẫn là tài sản chung hợp nhất của ông bà. Vì vậy, nếu bà B muốn chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung thì phải tuân thủ các quy định sau đây của pháp luật, cụ thể như sau:

- Khoản 2 điều 218 BLDS 2015 quy định:

“Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.”

- Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của chính phủ cũng quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai:

“Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.”

Như vậy, trong trường hợp này, bà B muốn chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung với ông A thì phải đáp ứng một trong các điều kiện: Hoặc ông A phải tham gia ký kết giao dịch đó cùng với bà B; hoặc ông A phải có văn hợp pháp cho phép bà B thay mặt ông A định đoạt luôn phần quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của mình…, (văn bản hợp pháp ở đây phải là văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật).

Ngoài ra, liên quan tới vụ việc này có một thực trạng về thủ tục pháp lý rất đáng để lưu tâm, đó là khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất cho một mình bà B đứng tên nhưng đã không chú thích rõ ràng là “đồng sở hữu” hoặc “đại diện khai trình”,… (vấn đề này chúng tôi đã phân tích, cập nhật ở bài viết trước), trong khi Giấy cam kết ông A chỉ đồng ý cho một mình bà B đứng tên chứ không hề đề cập đến nội dung ủy quyền định đoạt. Đây là một sự bất cẩn của cán bộ công chức và đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho người dân – bà B đã tự định đoạt toàn bộ tài sản chung cho bên thứ 3 ngay tình…, hơn thế nữa còn được hệ thống tòa án từng xét xử theo thủ tục 2 cấp công nhân, bảo vệ…

Vụ án minh họa nêu trên đã có hiệu lực pháp luật sau phiên xét xử phúc thẩm, nay ông A đang kiến nghị đến các chủ thể có thẩm quyền, đề nghị ban hành quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại cho chính xác), nhưng với “thực trạng” hiện nay, xem ra việc kiến nghị của ông A còn rất khó khăn!

- Để quý đọc giả hiểu rõ hơn, chúng tôi xin trích dẫn lại (ở bài viết trước đã nêu) Khoản 2 Điều 98 luật đất đai 2013:

“Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.”

Tại khoản 3, Điều 5, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (của Bộ Tài Nguyên & Môi Trường) cũng quy định chi tiết hơn về vấn đề này:

“3. Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của từng người.

Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều này; tiếp theo ghi "Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với... (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".

Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện (có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật) thì Giấy chứng nhận được cấp cho người đại diện đó. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)".

Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên trang 1 không hết thì dòng cuối trang 1 ghi "và những người khác có tên tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận này"; đồng thời tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận được ghi: "Những người khác cùng sử dụng đất (hoặc cùng sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất còn lại)".”

Điểm a, b khoản 5 Điều 6 quy định:

“a) Trường hợp toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của một người sử dụng đất (một cá nhân hoặc một hộ gia đình, hai vợ chồng, một cộng đồng dân cư, một tổ chức trong nước, một cơ sở tôn giáo, một cá nhân nước ngoài, một người Việt Nam định cư ở nước ngoài,...) thì ghi "Sử dụng riêng" vào mục hình thức sử dụng;

b) Trường hợp toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người sử dụng đất thì ghi "Sử dụng chung" vào mục hình thức sử dụng;”

Như vậy, nếu căn cứ theo các quy định của pháp luật nêu trên, trong trường hợp có nhiều chủ thể là đồng sở hữu đối với quyền sử dụng đất thì trên GCN phải ghi tên của tất cả chủ sở hữu, trừ trường hợp vợ hoặc chồng một mình đứng tên trên GCN quyền sử dụng đất khi có sự thỏa thuận của vợ chồng "chỉ ghi tên một người trên GCN".

Tuy nhiên,trong tình huống đang bàn luận, ông A và bà B đã ly hôn bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, không còn là vợ chồng nên không thuộc trường hợp vợ hoặc chồng một mình đứng tên trên GCN quyền sử dụng đất khi có sự thỏa thuận giữa hai bên như đã nêu trên, quan hệ giữa ông A và bà B lúc  này chỉ là quan hệ đồng sở hữu. Trong trường hợp này, nội dung trên GCN quyền sử dụng đất bắt buộc phải ghi đầy đủ cả tên của ông A và bà B. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, chỉ ghi tên mình và B trên GCN quyền sử dụng đất khi ông A làm bản cam kết đồng ý cho một mình bà B đại diện đứng tên là không đúng với quy định của pháp luật, trừ trường hợp chú thích như đã trích dẫn tại khoản 3, Điều 5 Thông tư nêu trên – chú thích trên Giấy chứng nhận rõ "Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)" .

Sự thiếu sót trong việc chú thích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong ví dụ nêu trên) khi để một mình bà B đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã làm cho bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (bên mua) lầm tưởng rằng tài sản đó thuộc sở hữu toàn bộ và hợp pháp của một mình bà B. Từ đó đã dẫn đến trường hợp bà B tiến hành các giao dịch mà không có sự tham gia ký kết hay đồng ý bằng văn bản hợp pháp nào của ông A, vì các bên cho rằng “ai đứng tên trên GCN quyền sử dụng đất thì người đó có quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất đó”. Các giao dịch như vậy sẽ bị pháp luật coi là vô hiệu (tuy nhiên việc Tòa án sẽ xét xử và quyết định như thế nào lại là một thực trạng đáng bàn khác).

Vì vậy, khi tiến hành giao dịch các loại tài sản, đặc biệt là những tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất khác thì việc xác định nguồn gốc, chủ sở hữu hợp pháp,… của tài sản đó là điều vô cùng quan trọng, giúp các bên tránh được việc phát sinh các tranh chấp không đáng có sau này.

Để hạn chế các rủi ro pháp lý khi tham gia các giao dịch về đất đai – nhà ở… quý đọc giả, quý khách hàng đừng nên ngần ngại liên hệ với luật sư để được tư vấn kỹ hơn về các quy định của pháp luật có liên quan.

----------------------------------------------------

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NAM KINH

Địa chỉ: 316 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0906759286 – 0979888286

Email: King.lawyer.vn@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/vanphongluatsunamkinh/

  


Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Gọi Chúng Tôi