Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, mọi hành vi tố cáo, bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác đều cấu thành “Tội vu khống”.
Nhưng
đó là một nhầm lẫn cơ bản không đáng xảy ra trên thực tế. Bởi vì nếu sự nhầm lẫn
xuất phát từ các chủ thể có thẩm quyền thì nó sẽ tạo ra việc khởi tố, truy tố oan
và gây nhiều phẫn uất cho tầng lớp tri thức trong xã hội.

Theo quy định của Điều 156 Bộ luật hình sự đang có hiệu lực điều chỉnh, Tội vu khống được quy định như sau:
“Điều 156. Tội vu khống
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết
rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt
hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…”
Căn cứ vào điều luật nêu trên, để khởi tố, truy tố một người với tội danh “Vu khống” cần lưu ý các vấn đề sau đây:
1- Đối với điểm a, khoản 1: Người thực hiện hành vi phải “biết rõ” những điều mà mình loan truyền là sai sự thật hoặc đó là hành vi bịa đặt. Việc “biết rõ” trong trường hợp này sẽ được chia làm 2 cách hiểu như sau:
- Thứ nhất, căn cứ vào ý chí chủ quan của người phạm tội: Cơ quan tiến hành tố tụng phải có căn cứ để chứng minh rằng, ý chí chủ quan của người phạm tội là “biết rõ” thông tin mà họ loan truyền là sai sự thật, là bịa đặt… nhưng trên thực tiễn, để chứng minh ý chí chủ quan của một người có “biết rõ” hay không (hoặc chứng minh họ bịa đặt) thì khó tránh khỏi việc áp đặt ý chí, khó tìm ra chứng cứ thuyết phục (vì nó thuộc về ý thức chủ quan của một cá nhân), thậm chí khó tìm ra cơ sở pháp lý đối với trường hợp chứng minh này.
- Thứ hai, trong một số trường hợp, pháp luật quy định người phạm tội buộc phải “biết rõ” hành vi của mình là phạm tội, kể cả người phạm tội không nhận thức rõ hành vi của mình phạm tội hay không. Tuy nhiên, đối với loại tội danh này (Tội vu khống), Luật và văn bản dưới luật chưa đề cập và hướng dẫn một cách chi tiết (đối với trường hợp cụ thể nào pháp luật buộc người phạm tội phải biết hành vi loan truyền của mình là sai sự thật...).
2- Đối với điểm b, khoản 1: Người phạm tội phải thực hiện đồng thời hai hành vi, đó là hành vi “bịa đặt người khác phạm tội” và hành vi “tố cáo” người đó đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Hành vi bịa đặt người khác phạm tội” là một điều kiện bắt buộc đối với trường hợp này, có nghĩa rằng, nếu chỉ bịa đặt người khác thực hiện một (hoặc thậm chí rất nhiều) hành vi trái pháp luật nhưng chưa đến mức cấu thành tội phạm hình sự một cách rõ ràng thì người bịa đặt, tố cáo (trường hợp điểm b, khoản 1) cũng chưa thể cấu thành “tội vu khống” như Bộ luật hình sự đã ghi nhận (không thể khởi tố, bắt giam, truy tố về mặt hình sự đối với họ, mà chỉ có thể khởi kiện họ để yêu cầu bồi thường về mặt dân sự theo quy định của pháp luật, nếu có đủ căn cứ)
Điểm lưu ý tiếp theo trong trường hợp này là việc chứng minh hành vi trước đó của người bị bịa đặt, người bị tố cáo có cấu thành tội phạm hay không lại cần phải có một bản kết luận điều tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo luật định!
0 Nhận xét