Ma túy là một loại chất kích thích
dễ gây nghiện, nếu sử dụng vào mục đích y học thì nó có thể có một số tác dụng
tích cực nhất định. Nhưng trong giới trẻ hiện nay, không ít người đã thường xuyên
sử dụng, lạm dụng nó để nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân (để tạo ảo giác,
tạo hưng phấn cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng thật ra là rất
hại cho sức khỏe…), dẫn đến gây nghiện và hậu quả là nhiều gia đình tan cửa
nát nhà, thậm chí nhiều trường hợp vong mạng một cách vô ích…!
Chúng ta có thể khẳng định rằng, tệ
nạn ma túy là một hiểm họa của cả nhân loại, nó được cả thế giới lên án. Công
tác bài trừ tệ nạn ma túy được các quốc gia (trong đó có Việt Nam) thực hiện
một cách rất quyết liệt, tương đối đồng bộ nhưng trải qua nhiều thập kỷ chúng
ta vẫn không thể bài trừ được nó một cách triệt để, điều này có nhiều nguyên
nhân, nhưng tựu trung lại có hai nguyên nhân chủ yếu:
- Thứ nhất, "nhu cầu lớn" luôn được duy trì và phát triển thì tất có "cung", đó là một quy luật tất yếu. Hơn thế nữa, do
việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển các chất ma túy đem lại lợi nhuận quá khổng
lồ, nên các tội phạm đã bất chấp mọi hình thức chế tài hà khắc của pháp luật để lén
lút thực hiện các phi vụ với quy mô ngày càng lớn, số lượng ngày càng
tăng...,
- Thứ hai, vẫn tồn tại một số cán bộ bị đồng tiền biến thành kẻ mù quáng, bị tội phạm mua
chuộc nên đã rắp tâm cấu kết hoặc cố tình làm ngơ để một số tội phạm lộng hành,
kiếm tiền trên nỗi bất hạnh của nhân loại, điều này vô hình trung đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra nhiều tang thương cho xã hội loài người...
![]() |
Phiên tòa xét xử một số nguyên cán bộ phòng chống tội phạm về ma túy ở Cao Bằng từng câu kết với tội phạm (Ảnh: Báo nhân dân) |
Trong thời gian gần đây, nhiều
chuyên án về ma túy bị triệt phá khiến dư luận hết sức bàng hoàng bởi số lượng,
quy mô của nó. Nếu như trước đây, số lượng ma túy mà các cơ quan tiến hành tố
tụng thu giữ được chỉ tính bằng gam, kilogam thì hiện nay có những vụ án mà số
lượng ma túy thu giữ được có thể tính bằng tấn! Việc sản xuất, buôn bán và vận
chuyển các chất ma túy ngày càng được thực hiện một cách tinh vi và táo tợn hơn
(có thể núp bóng dưới hình thức doanh nghiệp nhằm đánh lạc hướng dư luận và cơ
quan nhà nước có thẩm quyền…)
Chính vì tính chất và mức độ nguy
hại cho xã hội của ma túy là rất lớn nên Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ
sung năm 2017) dành rất nhiều trang để quy định về các tội danh có liên quan về
ma túy. Có thể nói, hầu như mỗi hành vi có liên quan đến ma túy đều được
nhà lập pháp tách ra thành một điều luật riêng biệt. Bao gồm 13 tội danh sau:
Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca,
cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy
Điều 248. Tội sản xuất trái
phép chất ma túy
Điều 249. Tội tàng trữ trái
phép chất ma túy
Điều 250. Tội vận chuyển trái
phép chất ma túy
Điều 251. Tội mua bán trái phép
chất ma túy
Điều 252. Tội chiếm đoạt chất
ma túy
Điều 253. Tội tàng trữ, vận
chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất
ma túy
Điều 254. Tội sản xuất, tàng
trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc
sử dụng trái phép chất ma túy
Điều 255. Tội tổ chức sử dụng
trái phép chất ma túy
Điều 256. Tội chứa chấp việc sử
dụng trái phép chất ma túy
Điều 257. Tội cưỡng bức người
khác sử dụng trái phép chất ma túy
Điều 258. Tội lôi kéo người
khác sử dụng trái phép chất ma túy
Điều 259. Tội vi phạm quy định
về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
Các bạn có thể thấy,
hầu như các điều luật đều có chữ “trái phép” đi kèm, sở dĩ các nhà làm luật đưa
cụm từ này vào như vậy là vì có nhiều trường hợp “không trái phép” hoặc nói một
cách khác dễ hiểu hơn, các chất ma túy trong một số trường hợp còn được pháp
luật cho phép sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, …vào mục đích hợp pháp khác (như
chế tạo thuốc uống là một ví dụ điển hình…).
![]() |
Số lượng ma túy bị cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ trong một vụ án |
Nếu chúng ta đi nghiên
cứu và phân tích từng tội danh nêu trên thì mất rất nhiều thời gian, ở đây
chúng tôi chỉ tạm thời tập trung vào một tội danh có tính chất trung gian, phổ
biến nhất, đó là Tội mua bán trái phép chất ma túy.
Hành vi mua bán trái phép chất ma
túy là một hành vi có tính trung gian, nó rất nguy hại cho xã hội, sở dĩ coi
hành vi này có tính chất trung gian là vì trước hành vi này thì nó đã từng xuất
hiện các hành vi có tính chất cấu thành những tội độc lập khác, như hành vi như
sản xuất, tàng trữ,…, sau hành vi mua bán này sẽ lại xuất hiện một chuỗi các
hành vi sử dụng hoặc tàng trữ khác cũng cấu thành những tội danh khác như đã
liệt kê ở trên …..
Hiện nay, nhà lập pháp xây dựng các
hình thức chế tài rất nặng đối với các tội phạm về ma túy nói chung, trong đó
có tội mua bán trái phép chất ma túy nói riêng, mức hình phạt tối đa có thể là
chung thân hoặc tử hình.
Điều 251 Bộ luật hình
sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về “Tội mua bán trái
phép chất ma túy” như sau:
"1. Người nào mua bán
trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau
đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ
chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào
việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa
hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine,
Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây
cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng
từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có
khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng
số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một
trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa
hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine,
Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây
cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng
từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có
khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng
số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một
trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa
hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine,
Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây
cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng
600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có
khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng
số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một
trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt
tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành
nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần
hoặc toàn bộ tài sản.”
Để các bạn có thể tiếp cận một cách
dễ dàng hơn với nội dung của quy định nêu trên, sau đây, chúng tôi sẽ tóm lược
những đặc trưng cơ bản nhất về "tội mua bán trái phép chất ma túy” cho các
bạn tiện theo dõi:
- Chưa có văn bản pháp lý riêng biệt nào hướng dẫn chi
tiết về hành vi như thế nào sẽ được coi là hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Nhưng
dựa trên kinh nghiệm từ thực tiễn áp dụng pháp luật và các án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xác định các hành vi sau đây sẽ bị coi là hành vi mua bán trái phép chất ma túy:
+ Bán trái phép chất ma túy cho
người khác, kể cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để lấy tiền công hoặc
một lợi ích nào đó;
+ Mua chất ma túy nhằm bán trái phép
cho người khác;
+ Xin chất ma túy nhằm bán trái phép
cho người khác;
+ Dùng chất ma túy để thanh toán,
trao đổi trái phép;
+ Dùng tài sản không phải là tiền
đem trao đổi, thanh toán lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác;
+ Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái
phép cho người khác;
+ Vận chuyển chất ma túy nhằm bán
trái phép cho người khác…
- Chất ma túy là những loại chất được liệt kê chi tiết
tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ (ban hành quy định
danh mục các chất ma túy và tiền chất, được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định
60/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020), nếu quan tâm sâu hơn, các bạn có thể tìm đọc
danh sách này một cách rất dễ dàng trên mạng internet.
- Người nào nếu có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt
độ tuổi theo luật định thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
- Pháp luật quy định 4 khung hình phạt cho tội danh này,
nhẹ nhất là khung hình phạt quy định tại khoản 1, với mức hình phạt là từ 02 năm đến 07 năm tù
giam, đây là định khung cơ bản của tội danh. Nếu người phạm tội có thêm các
tình tiết tăng nặng định khung rơi vào các khoản 2, 3, 4 thì sẽ bị áp dụng hình
phạt phù hợp ở các khung đó, với mức hình phạt cao nhất có thể là chung thân hoặc tử hình.
- Ngoài ra, pháp luật còn quy định về hình phạt bổ sung
đối với tội danh này, đó là “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ
5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc
làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn
bộ tài sản.”
Chúng tôi hi vọng rằng, những kiến
thức pháp lý cơ bản nêu trên sẽ giúp các bạn nhận thức sâu sắc hơn về mức độ
nguy hiểm của loại tội phạm này, để từ đó có thể tích cực hơn trong việc góp
phần thúc đẩy ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm từ ngay trong quần chúng
nhân dân, góp phần thúc đẩy một môi trường sống lành mạnh cho toàn xã hội…
Trách nhiệm phổ cập về kiến thức nói chung, kiến thức về pháp luật nói riêng vừa là quyền, đồng
thời cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân. Nếu có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu
hoặc bổ sung thêm các kiến thức có liên quan đến vấn đề này, các bạn có thể tìm
nghiên cứu thêm ở nhiều tài liệu khác hoặc nhờ luật sư để được tư vấn ở mức độ
đầy đủ hơn.
0 Nhận xét