Pháp luật Hình sự Việt Nam ngoài tính răn đe, phòng ngừa đối
với tội phạm ra, còn mang tính nhân đạo, mang tính giáo dục, có thể tạo điều kiện
để cho người phạm tội có cơ hội cải tạo tốt, để sớm có cơ hội trở lại hòa nhập
với cộng đồng xã hội, trở thành công dân có ích sau những lỗi lầm hôm xưa của họ.
Tại Điều 3 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm
2017 có nội dung quy định như sau: “khoan hồng với người tự thú, đầu thú”. Vậy,
như thế nào là “tự thú”, “đầu thú”?
Chúng ta cùng tìm hiểu về các quy định của pháp luật hiện
hành của hai khái niệm này, bao gồm cả việc so sánh sự khác nhau của nó.
Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009
chỉ quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “tự thú” (tại điểm o khoản
1 Điều 46) mà không quy định về “đầu thú”. Khi Bộ luật hình sự năm 2015 ra đời
thì có nhiều điểm mới so với bộ luật hình sự trước đó. Trong đó, đáng chú ý là
việc lần đầu tiên quy định cụ thể “ Toà án
có thể coi đầu thú… là tình tiết giảm nhẹ”. Điểm này thể hiện rõ tinh thần nhân
đạo của pháp luật hình sự trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hướng
tới tính nhân đạo hơn...
Bộ luật hình sự hiện hành quy định về hai “tình tiết giảm nhẹ”
là “tự thú” và “đầu thú” nhưng lại không đưa ra định nghĩa cụ thể để làm rõ cho
hai khái niệm này. Hiện nay, hai khái niệm này được Bộ luật Tố tụng hình sự định
nghĩa tại điểm h, i khoản 1 Điều 4 như sau:
“h. Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ
quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội
bị phát hiện.
i. Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự
nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội
của mình.”
Trước đây, khi Bộ luật hình sự và tố tụng hình sự năm 2015
chưa có hiệu lực thi hành, Công văn số 81 ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân Tối
cao giải đáp các vấn đề nghiệp vụ đã hướng dẫn một cách khá chi tiết về tình tiết
“tự thú” và “đầu thú” như sau:
“Tự thú” là tự mình nhận tội và khai báo hành vi phạm tội của
mình trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát
hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình
nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện,
thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành
vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện. “Đầu thú” là có người đã biết mình
phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền
trình diện để được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…”
Từ những nội dung trên có thể thấy rằng, “tự thú” hay “đầu
thú” đều là hành động của người phạm tội tự mình ra khai báo, trình diện một
cách tự nguyện với các cơ quan chức năng về hành vi phạm tội do mình gây ra và
chủ động chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi đó.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, điểm khác biệt cơ bản nhất giữa
“tự thú” và “đầu thú” chính là ở thời điểm mà người phạm tội tiến hành trình
báo với cơ quan chức năng về hành vi phạm tội của mình. Nếu việc trình báo thực
hiện trong khoảng thời gian mà tội phạm hoặc người phạm tội chưa bị phát hiện
thì sẽ được coi là “tự thú”, còn nếu sau khi người phạm tội đã bị phát hiện mới
tiến hành ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội
của mình thì sẽ được coi là “đầu thú”. Ngoài ra, dựa vào cách các nhà làm luật
quy định hai tình tiết trên trong Bộ luật hình sự năm 2015 chúng ta cũng có thể
nhận ra được một điểm khác biệt rất đáng lưu ý giữa chúng. “Tự thú” được quy định
một cách rõ ràng và chắc chắn tại điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm
2015 là một “tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”. Có nghĩa rằng, nếu
người phạm tội tự thú thì mặc nhiên khi quyết định hình phạt, tòa án sẽ phải
coi đây là một tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội. Còn đối với “đầu thú” được
cơ quan lập pháp quy định tại khoản 2 Điều 51 chỉ với nội dung “Toà án có thể
coi đầu thú… là tình tiết giảm nhẹ”. Như vậy, khi người phạm tội “đầu thú” thì
tòa án không bắt buộc phải coi đây là một tình tiết giảm nhẹ, mà tùy vào từng
trường hợp, tòa án chỉ “có thể coi" và quyết định, nhưng phải nêu
rõ lý do trong bản án. Ngoài ra, tại khoản 1, điều 54 BLHS quy định về “Tòa
án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được
áp dụng…khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản
1 Điều 51 của Bộ luật này.”, có nghĩa rằng, nhà làm luật chỉ coi những tình tiết
giảm nhẹ TNHS tại khoản 1 Điều 51 BLHS mới được xem xét để áp dụng cho khoản 1,
Điều 54 nêu trên. Hay nói một cách khác, khi Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 54
BLHS để áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt thì trong hai
tình tiết “tự thú” và “đầu thú”, Tòa án chỉ xem xét đến tình tiết “tự thú” vì
tình tiết này được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, còn “đầu thú” lại được
quy định tại khoản 2 Điều 51 sẽ không được xem xét để áp dụng trong trường hợp
này;
Qua sự phân tích trên, chúng ta có thể rất dễ dàng để nhận ra
rằng, mức độ “giảm nhẹ” và “sự khoan hồng” của pháp luật dành cho người phạm tội
“tự thú” là cao hơn so với “đầu thú”!
Thông qua những phân tích và bình luận nêu trên, Văn phòng Luật sư Nam Kinh hi vọng có thể đem đến những kiến thức pháp luật Hình sự bổ ích cho quý đọc giả, quý khách hàng,… Nếu quý đọc giả, quý khách hàng có những thắc mắc cần giải đáp liên quan đến lĩnh vực pháp luật Hình sự thì có thể liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp:
----------------------------------------------------
VĂN
PHÒNG LUẬT SƯ NAM KINH
Địa
chỉ: 316 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline:
0906759286 - 0979888286
Email:
king.lawyer.vn@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/vanphongluatsunamkinh/
0 Nhận xét