GIỚI THIỆU VỀ CHÚNG TÔI

header ads

BÌNH LUẬN ÁN LỆ SỐ 16/2017/AL VỀ CÔNG NHẬN HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÀ DI SẢN THỪA KẾ DO MỘT TRONG CÁC ĐỒNG THỪA KẾ CHUYỂN NHƯỢNG


Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2017 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 573/2013/DS-GĐT ngày 16-12-2013 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế tài sản” tại tỉnh Vĩnh Phúc giữa nguyên đơn là chị Phùng Thị H1, chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị P với bị đơn là anh Phùng Văn T; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm chị Phùng Thị N2, chị Phùng Thị H3.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 2 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó. Số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế. Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Khoản 2 Điều 170, Điều 234, Điều 634, Điều 697 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương đương với khoản 2 Điều 221, Điều 223, Điều 612, Điều 500 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Thực tiễn trong cuộc sống hiện nay, trường hợp một người thừa kế tự mình định đoạt di sản thừa kế cho người khác mà không có sự tham gia của những đồng thừa kế còn lại là khá phổ biến. Theo quy định của pháp luật về thừa kế thì một đồng thừa kế muốn định đoạt di sản thừa kế trong đó có phần của những đồng thừa kế khác thì phải có sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế khác đó. Tuy nhiên, luật lại không quy định rõ về việc hiểu như thế nào là đồng ý, làm sao để chứng minh được sự đồng ý của những đồng thừa kế còn lại là vấn đề không hề dễ dàng. Án lệ số 16/2017/AL ra đời đã góp phần giải đáp được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật liên quan đến vấn đề trên.

Theo đó, Án lệ này đã giải quyết được hai vấn đề lớn sau:

Thứ nhất, xác định sự đồng ý của những đồng thừa kế không trực tiếp tham gia vào giao dịch chuyển nhượng di sản thừa kế:

- Án lệ xác định rằng, trong trường hợp “Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó. Số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế. Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.”

Việc đưa ra nhận định như vậy của án lệ số 16/2017/AL là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ: Đồng ý là việc một chủ thể thể hiện ý chí cho phép, chấp thuận,… về một vấn đề nào đó. Ý chí đồng ý có thể biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó thì ký trên giấy là một trong số đó,…. Ngoài ra, việc biết mà không phản đối, cùng nhau sử dụng số tiền có được từ việc định đoạt di sản,… cũng là biểu hiện cho sự đồng ý. Vì vậy, án lệ xác định các đồng thừa kế khác biết mà không phản đối, cùng sử dụng tiền có thể được coi là đồng ý, là phù hợp với ý chí của các bên.

Thứ hai, hệ quả pháp lý khi xác định rằng có sự đồng ý của những đồng thừa kế không trực tiếp tham gia vào giao dịch chuyển nhượng di sản thừa kế:

-  Án lệ nêu rõ “Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.”

Quan điểm nêu trên của Án lệ là hoàn toàn hợp lý. Vì, trong tình huống của án lệ này, Tòa án đã xác định rằng, các đồng thừa kế đã đồng ý với giao dịch mà họ không trực tiếp tham gia. Như vậy, hợp đồng này hoàn toàn không xâm phạm đến quyền lợi của những đồng thừa kế không trực tiếp tham gia giao dịch. Vì vậy, việc công nhận hợp đồng chuyển nhượng là thuyết phục và hợp lý. Từ đó, đương nhiên rằng diện tích đất đã chuyển nhượng thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng, không còn trong khối di sản để chia thừa kế nữa.

Những nội dung trên của án lệ số 16/2017/AL mang tính bổ sung rất kịp thời cho hệ thống pháp luật hiện hành, tuy nhiên trên thực tế làm sao để có thể áp dụng án lệ một cách chính xác, linh hoạt và hợp lý là điều không dễ. Theo quan điểm của tác giả, chúng ta có thể áp dụng linh hoạt án lệ số 16/2017/AL trên thực tế trong những trường hợp như sau:

- Thứ nhất: Vẫn có thể áp dụng án lệ này trong trường hợp định đoạt toàn bộ di sản thừa kế, không nhất thiết chỉ áp dụng trong trường hợp định đoạt một phần di sản thừa kế (phần quyền sử dụng đất) như trong án lệ đã nêu.

- Thứ hai: Di sản được định đoạt có thể là những loại tài sản khác theo quy định của pháp luật, không bắt buộc chỉ là quyền sử dụng đất như trong án lệ.

- Thứ ba: Vẫn có thể áp dụng trong trường hợp thừa kế theo di chúc.

- Thứ tư: Loại giao dịch có thể là: thế chấp, cầm cố, cho thuê,…vẫn có thể áp dụng, không nhất thiết chỉ là chuyển nhượng.

----------------------------------------------------

Qúy đọc giả, khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật về các Án lệ hiện hành hãy liên hệ với chúng tôi tại:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NAM KINH

Địa chỉ: 316 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0906759286 - 0979888286

Email: king.lawyer.vn@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/vanphongluatsunamkinh/

 


Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Gọi Chúng Tôi